.

Thứ ba, 30/04/2024 -17:10 PM

Bàn về việc quy định của pháp luật về cung cấp tài liệu chứng cứ của UBND và Chủ tịch UBND cho Tòa án trong giải quyết vụ án hành chính

 | 

Thực tế giải quyết án hành chính đặc biệt là các vụ án hành chính về quản lý đất đai cho thấy, người bị kiện là UBND, Chủ tịch UBND một số trường hợp không tham gia tố tụng nhưng không ủy quyền hoặc ủy quyền chậm hoặc không cung cấp đầy đủ, tài liệu chứng cứ có liên quan đến vụ án theo đúng thời hạn quy định pháp luật. Việc này dẫn đến không bảo đảm nguyên tắc tranh tụng khi giải quyết vụ án hành chính. Bởi lẽ, hội đồng xét xử chỉ được đặt câu hỏi đối với người bị kiện, không được đặt câu hỏi đối với người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiện. Tình trạng trên cũng dẫn tới khó khăn trong việc thẩm tra tài liệu, chứng cứ tại phiên tòa; không thể yêu cầu người bị kiện cung cấp tài liệu, chứng cứ chứng minh tại phiên tòa; không thể tiến hành đối thoại tại phiên tòa khi thấy cần thiết…

Theo khoản 59 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính 2015 người bị kiện phải cung cấp tài liệu, chứng cứ, chứng minh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cũng theo khoản 9 Điều 55 Luật Tố tụng hành chính quy định quyền, nghĩa vụ của đương sự là nộp bản sao đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ cho Toà án để Toà án gửi cho đương sự khác hoặc người đại diện của đương sự khác. Tuy nhiên, người khởi kiện có thể không biết quy định này hoặc trong quá trình giải quyết vụ án mới được biết. Do đó, khi Toà án gửi Thông báo thụ lý vụ án cho người bị kiện không có bản sao đơn khởi kiện để gửi dẫn đến việc người bị kiện không có thông tin để làm bản khai trình bày quan điểm đối với lý do của việc khởi kiện.

Bên cạnh đó, khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính quy định “Trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được uỷ quyền cho cấp phó của mình đại diện. Người được uỷ quyền phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của người bị kiện theo quy định của Luật này”. Tuy nhiên, trong một số vụ án hành chính, người bị kiện, người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện có đơn đề nghị vắng mặt trong quá trình giải quyết vụ án.

Theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 135 Luật Tố tụng hành chính một trong các trường hợp vụ án hành chính không tiến hành đối thoại là “đương sự không thể tham gia đối thoại được vì có lý do chính đáng”, Điều 157 Luật Tố tụng hành chính quy định sự có mặt của đương sự tại phiên toà là “đương sự hoặc người đại diện của họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt”. Có thể thấy, khoản 3 Điều 60 quy định người đại diện theo uỷ quyền của người bị kiện phải tham gia vào quá trình giải quyết toàn bộ vụ án nhưng điểm b khoản 1 Điều 135 và Điều 157 lại quy định cho người bị kiện hoặc người được uỷ quyền có quyền làm đơn đề nghị vắng mặt tại phiên họp đối thoại và phiên toà. Mặt khác, quy định tại khoản 3 Điều 60 đã “bó hẹp” phạm vi và chủ thể được uỷ quyền được tham gia tố tụng nên dẫn đến trường hợp người bị kiện không tham gia làm việc, đối thoại, không tham gia phiên toà sơ thẩm, phải tiến hành xét xử vắng mặt.

Do đó, Luật TTHC cần có quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Toà án của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và Uỷ ban nhân dân; đồng thời có cơ chế giám sát trách nhiệm cung cấp tài liệu và tham gia tố tụng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Uỷ ban nhân dân. Có như vậy mới nâng cao được trách nhiệm cũng như hiệu quả giải quyết vụ án hành chính.

Nhữ Đức Dũng- Phòng 10, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,801,783
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.38.117

    Thư viện ảnh