.

Thứ ba, 30/04/2024 -15:50 PM

Một số lưu ý khi THQCT, KSXX tại phiên tòa hình sự thực hiện số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh

 | 

Việc trình chiếu tài liệu đã được số hóa tại phiên toà là cách thức công bố và xem xét chứng cứ sinh động, thuyết phục hơn so với phương pháp trình bày bằng lời nói đơn thuần, qua đó, bảo đảm thực hiện tốt nguyên tắc công khai chứng cứ tại phiên tòa và tăng cường hiệu quả hoạt động tranh tụng.

Để nâng cao chất lượng THQCT, KSXX tại phiên tòa hình sự thực hiện số hóa hồ sơ vụ án và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh, theo tác giả cần thực hiện một số nội dung như sau:

Thứ nhất, về các trường hợp công bố tài liệu, chứng cứ. Khi công bố tài liệu, chứng cứ, Kiểm sát viên phải tuân theo quy định tại các Điều 308, 312, 315 Bộ luật Tố tụng hình sự như: không được công bố lời khai của người được xét hỏi trong giai đoạn điều tra, truy tố nếu họ có mặt tại phiên tòa. Chỉ được công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: lời khai của người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình; người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết... Ngoài ra, đối với những tài liệu mật, chỉ công bố khi đã được giải mật, được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai, về cách thức đặt câu hỏi của Kiểm sát viên để khẳng định giá trị của chứng cứ chứng minh đã số hóa. Sau khi nắm chắc các nội dung số hóa hồ sơ, tùy thuộc vào diễn biến phiên tòa, Kiểm sát viên chủ động tham gia xét hỏi, lựa chọn phương pháp xét hỏi phù hợp để phục vụ việc chứng minh và khẳng định các tài liệu được thu thập trong quá trình điều tra có trong hồ sơ vụ án đã bảo đảm các thuộc tính của chứng cứ (tính hợp pháp, tính khách quan, tính liên quan). Khi xét hỏi, Kiểm sát viên tập trung vào những nội dung Hội đồng xét xử chưa hỏi hoặc đã hỏi nhưng còn thiếu hoặc chưa rõ, hỏi về những nội dung còn mâu thuẫn và hỏi để chuẩn bị cho đối đáp tranh tụng. Trường hợp bị cáo chối tội, Kiểm sát viên nên hỏi người làm chứng, công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh để chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo sau đó mới hỏi bị cáo để bị cáo nhận thức và thừa nhận chứng cứ buộc tội.

Thứ ba, kết hợp quan sát, lắng nghe, ghi chép tổng hợp ý kiến và tranh luận. Trong quá trình tranh luận, Kiểm sát viên chú ý nội dung tranh luận để đối đáp một cách ngắn gọn và tập trung, tránh trường hợp tranh luận lại những nội dung đã tranh luận hoặc tranh luận những nội dung không thuộc phạm vi cáo trạng truy tố, phạm vi luận tội. Nội dung tranh luận cần súc tích, trên cơ sở tổng hợp đầy đủ các vấn đề từ thủ tục tố tụng đến những nội dung cụ thể như: tội danh, khung hình phạt, mức hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và các vấn đề khác của vụ án. Đối với vụ án có nhiều bị cáo, nhiều người bào chữa, Kiểm sát viên cần chú ý ghi chép các ý kiến trùng lặp, tổng hợp các nội dung cần tranh luận để tiến hành trình chiếu tài liệu số hóa đối đáp một lần, tránh lan man, dài dòng. Khi đối đáp với các ý kiến trái ngược giữa người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, Kiểm sát viên phải kèm theo các chứng cứ đã được số hóa và cơ sở pháp lý để thể hiện sự khách quan, công bằng. Khi tranh luận về việc xác định tội danh, Kiểm sát viên nên trình chiếu những tài liệu đã số hóa trước đó được phân loại thành các nhóm chứng cứ xác định tội phạm và người phạm tội theo Điều 85 Bộ luật Tố tụng hình sự. Mỗi khi kết thúc một ý kiến tranh luận, Kiểm sát viên phải thể hiện rõ quan điểm của mình là đồng ý hoặc không đồng ý và nêu lý do. Khi đồng tình với ý kiến của những người tham gia tranh luận, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét nhưng phải đảm bảo nguyên tắc không làm xấu đi tình trạng của bị cáo.

Bên cạnh đó, Kiểm sát viên phải kịp thời phát hiện những luận cứ, quan điểm sai trái của những người tham gia tranh luận để đưa ra các chứng cứ, tài liệu số hóa có ý nghĩa trong việc bác bỏ và đề nghị Hội đồng xét xử ra phán quyết khách quan, đầy đủ, công bằng và đúng quy định pháp luật.

Việc trình bày bằng lời nói kết hợp với hình ảnh thể hiện sự công khai, toàn diện trong xem xét tài liệu, chứng cứ trước khi Viện kiểm sát đưa ra quan điểm truy tố. Đây là tiền đề quan trọng để Tòa án xem xét ban hành bản án có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để oan sai, bỏ lọt tội phạm và người phạm tội. Qua đó, củng cố vị trí và vai trò của Viện kiểm sát nhân dân trong công cuộc cải cách tư pháp./.

Phạm Ngọc Thảo- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,801,518
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.237.3

    Thư viện ảnh