Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) thì “cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định” là hình phạt bổ sung. Điều 41 BLHS năm 2015 quy định “Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định được áp dụng khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội...”.
Cũng tại BLHS năm 2015 thì các tội danh “Tham ô tài sản” (Điều 353), “Nhận hối lộ” (Điều 354), “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” (Điều 355), “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” (Điều 356), “Lạm quyền trong khi thi hành công vụ” (Điều 357), “Giả mạo trong công tác” (Điều 359), “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” (Điều 360)… đều có quy định về hình phạt bổ sung đối với người phạm tội “… Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ…”. Như vậy, theo quy định này thì hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ”, “cấm hành nghề”, hoặc “cấm làm công việc nhất định” là hình phạt bắt buộc phải áp dụng đối với người bị kết án về các tội danh nêu trên.
Việc áp dụng hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định có ý nghĩa nhằm tăng cường hiệu quả của hình phạt chínhvà nhằm mục đích phòng ngừa người bị kết án tiếp tục phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế cho thấy còn có vướng mắc khi áp dụng hình phạt bổ sung này; ví dụ như:
Vụ án thứ nhất: Nguyễn Văn T là “nhân viên chuyển phát” của Công ty dịch vụ chuyển phát X, thực hiện các nhiệm vụ cụ thể nêu rõ trong hợp đồng và quy trình chuyển phát hàng hóa của Công ty. Lợi dụng nhiệm vụ được giao, trong các ngày 28, 30/10/2022, T đã chiếm đoạt giá trị 05 đơn hàng do T trực tiếp thu và quản lý tổng số tiền 60.000.000 đồng. Hành vi của T đã bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Vụ án thứ hai: Nguyễn Duy K là thành viên góp vốn, cổ đông của Công ty cổ phần Y, chuyên kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật. Lợi dụng nhiệm vụ được giao phụ trách tư vấn, giới thiệu sản phẩm, trực tiếp nhận hàng của Công ty mang đi bán và thu tiền, K đã bán hàng cho Công ty nhưng không nộp tiền hàng về Công ty mà chiếm đoạt, chi tiêu cá nhân tổng số tiền 528.000.000 đồng. Hành vi của K đã bị khởi tố, truy tố và xét xử về tội “Tham ô tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự.
Như vậy, theo quy định tại khoản 5 Điều 353 Bộ luật Hình sự thì bắt buộc phải áp dụng hình phạt bổ sung đối với Nguyễn Văn T, Nguyễn Duy K vì T đã lợi dụng nhiệm vụ được giao là “nhân viên chuyển phát” hàng hóa (thường gọi là “shipper”); K đã lợi dụng nhiệm vụ được giao vừa là người bán hàng vừa là người thu tiền hàng cho Công ty để thực hiện hành vi phạm tội.
Có quan điểm cho rằng: Đối với T có thể áp dụng hình phạt bổ sung là “cấm làm công việc liên quan đến chuyển phát hàng hóa có thu tiền”; đối với K có thể áp dụng hình phạt bổ sung là “cấm đảm nhiệm các công việc liên quan đến quản lý tài chính trong các tổ chức, doanh nghiệp”…
Tuy nhiên cũng có quan điểm cho rằng: Nếu áp dụng hình phạt bổ sung như trên thì T, K sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì không thể tìm được các công việc phù hợp để có thu nhập chính đáng nhằm nuôi sống bản thân, cũng như có tiền để chấp hành quyết định của bản án về trách nhiệm dân sự?
Vậy, phải áp dụng hình phạt bổ sung “cấm đảm nhiệm chức vụ”, “cấm làm công việc nhất định”… như thế nào đối với T, K mới phù hợp? Mặt khác, Điều 41 Bộ luật Hình sự quy định hình phạt bổ sung này chỉ mang tính tùy nghi “…khi xét thấy nếu để người bị kết án đảm nhiệm chức vụ, hành nghề hoặc làm công việc đó thì có thể gây nguy hại cho xã hội...”, trong khi chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể thế nào là “gây nguy hại cho xã hội”.
Thiết nghĩ, tùy theo từng trường hợp cụ thể mà có thể hoặc không cần thiết phải áp dụng hình phạt bổ sung cho phù hợp, để đảm bảo cho người phạm tội như T, như K sau khi chấp hành xong hình phạt tù thì vẫn có thể tìm được công việc ổn định (ví dụ như vẫn có thể làm shipper, làm nhân viên bán hàng…), để không là gánh nặng cho xã hội và có cơ hội trở thành công dân có ích cho xã hội./.
Nguyễn Thị Huệ Anh- Phòng 3, VKSND tỉnh Bắc Giang