ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -01:31 AM

Chủ động ra quyết định thi hành án hay ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án dân sự?

 | 

Nội dung vụ việc: Tại Bản án số 134/2022/HSST, ngày 14/8/2022, TAND thành phố A xử phạt các bị cáo Nguyễn Văn V, Nguyễn Thị M, Thân Minh Ư, Thân Văn X và Nguyễn Văn T phạm tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và Tham ô tài sản; buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường cho Trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải B (viết tắt là Trường GTVT), cụ thể: Nguyễn Văn V phải bồi thường 1.398.000.000 đồng, Nguyễn Thị M phải bồi thường 1.490.000.000 đồng, Thân Minh Ư phải bồi thường 136.000.000 đồng, Thân Văn X phải bồi thường 146.000.000 đồng và Nguyễn Văn T phải bồi thường 134.000.000 đồng.

Quá trình tổ chức thi hành án dân sự, có quan điểm khác nhau về việc chủ động ra quyết định thi hành án hay ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu đối với các khoản tiền bồi thường nêu trêncủa Nguyễn Văn V, Nguyễn Thị M, Thân Minh Ư, Thân Văn X và Nguyễn Văn T như sau:

* Quan điểm thứ nhất: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành án của Trường GTVT, bởi vì Trường GTVT là đơn vị sự nghiệp có thu, tự chủ về mặt tài chính; khoản tiền nêu trên là thu cho Trường để họ quản lý, sử dụng vào mục đích của đơn vị họ chứ không phải thu cho Nhà nước; mặt khác, theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày 17/3/2020 sửa đổi một số điều của Nghị định số 62/2015-NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định“3. Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật mà cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành án đối với khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước không yêu cầu thi hành án thì cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; cơ quan đại diện chủ sở hữu của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó có trách nhiệm chỉ đạo việc yêu cầu thi hành án.”. Do đó,không thuộc trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.

* Quan điểm thứ hai: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự, bởi vì Trường GTVT là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Giao thông vận tải; tại điều 29 Điều lệ của Trường GTVT quy định:“Trường quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật đối với đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ, trang thiết bị, tài sản được nhà nước giao và những tài sản do trường tự đầu tư, mua sắm...Hằng năm, nhà trường phải tổ chức kiểm kê, đánh giá lại giá trị tài sản của trường và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định”.; theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30/12/2020 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định “2. Cơ quan, tổ chức, đơn vị nhà nước” là cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại khoản 9 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng, bao gồm: cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước và tổ chức, đơn vị khác do Nhà nước thành lập, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phát toàn bộ hoặc một phần kinh phí hoạt động, do Nhà nước trực tiếp quản lý hoặc tham gia quản lý nhằm phục vụ nhu cầu phát triển chung, thiết yếu của Nhà nước và xã hội”. Như vậy, Trường GTVT được UBND tỉnh thành lập, đầu tư cơ sở vật chấtnên các khoản bồi thường theo Bản án số 134/2022/HSSTthuộc trường hợp chủ động ra quyết định thi hành án.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Vũ Văn Thành- Phòng 8 Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,546,432
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.105.215

    Thư viện ảnh