ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -20:09 PM

Nguyễn Văn B có phải chịu phí thi hành án dân sự đối với khoản tiền tự nguyện nộp trước khi xét xử không?

 | 

Nội dung vụ việc: Nguyễn Văn A bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh B khởi tố về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong quá trình điều tra, A tự nguyện nộp số tiền 1.500.000.000 đồng để khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Ngày 25/6/2021, TAND tỉnh B xét xử buộc bị cáo Nguyễn Văn A phải bồi thường cho người bị hại là Nguyễn Văn B số tiền 1.700.000.000 đồng, bị cáo đã nộp 1.500.000.000 đồng, còn phải bồi thường tiếp số tiền 200.000.000 đồng.

Quá trình tổ chức thi hành án dân sự, có quan điểm khác nhau về việc có hay không thu phí thi hành án đối với khoản tiền 1.500.000.000 đồng Nguyễn Văn A đã nộp cho Cơ quan điều tra như sau:

* Quan điểm thứ nhất: Nguyễn Văn B phải chịu phí thi hành án đối với số tiền 1.500.000.000 đồng, bởi vì những trường hợp không phải chịu phí thi hành án dân sự quy định tại Điều 6 Thông tư 216/2017/TT-BTC ngày 09/12/2017 của Bộ Tài chính, gồm:

1. Tiền cấp dưỡng; tiền bồi thường thiệt hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm; tiền lương, tiền công lao động; tiền trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc; tiền bảo hiểm xã hội; tiền bồi thường thiệt hại vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động.

2. Khoản kinh phí thực hiện chương trình chính sách xã hội của Nhà nước xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn, các khoản kinh phí trực tiếp phục vụ việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục của nhân dân không vì mục đích kinh doanh mà người được thi hành án được nhận.

3. Hiện vật được nhận chỉ có ý nghĩa tinh thần, gắn với nhân thân người nhận, không có khả năng trao đổi.

4. Tiền hoặc giá trị tài sản theo yêu cầu thi hành án không vượt quá hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định.

5. Khoản thu hồi nợ vay cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

6. Bản án, quyết định của Tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử.

7. Tiền, tài sản được trả lại cho đương sự trong trường hợp chủ động thi hành án quy định tại điểm b khoản 2 Điều 36 Luật Thi hành án dân sự.

8. Tiền, tài sản mà đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện thi hành án theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự.

Như vậy, Nguyễn Văn B không thuộc một trong những trường hợp quy định tại Điều 6 Thông tư 216/2017/TT-BTC ngày 09/12/2017 của Bộ Tài chính nêu trên nên phải chịu phí thi hành án đối với số tiền 1.500.000.000 đồng.

* Quan điểm thứ hai: Nguyễn Văn B không phải chịu phí thi hành án đối với số tiền 1.500.000.000 đồng, bởi vì theo quy định tại khoản 8 Điều 6 Thông tư 216/2017/TT-BTC ngày 09/12/2017 của Bộ Tài chính quy định: “…đương sự tự nguyện thi hành trong thời hạn tự nguyện…” thì không thu phí thi hành án. Trên thực tế, Nguyễn Văn A đã tự nguyện nộp số tiền trên để khắc phục hậu quả trước khi xét xử mà không cần chờ đến khi người được thi hành án có yêu cầu. Trường hợp này cần được coi là tự nguyện thi hành án, nên không phải chịu phí thi hành án.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Ngô Văn Định- Phòng 8, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,140,570
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.15.223.129

    Thư viện ảnh