Nội dung vụ án: Do có nhu cầu mua đất, nên bà Nguyễn Thị H có lập hợp đồng với anh Đinh Xuân Q về việc đặt cọc mua 01 lô đất số 20 tại khu dân cư mới thành phố Bắc Giang với số tiền cọc là 140.000.000 đồng, thời hạn nhận đặt cọc là 60 ngày thì 2 bên sẽ lập hợp đồng chuyển nhượng đối với thửa đất trên; nếu quá thời hạn thỏa thuận là 60 ngày mà anh Q không lập hợp đồng chuyển nhượng cho bà H thửa đất trên thì anh Q phải trả lại cho bà H tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc; nếu bà H không mua đất như thỏa thuận thì mất số tiền đã đặt cọc. Khi đã quá thời hạn 60 ngày, anh Q không làm thủ tục chuyển nhượng đất cho bà H và nói do chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không thể làm thủ tục chuyển nhượng được, hứa hẹn khi nào có sổ đỏ sẽ thực hiện chuyển nhượng ngay. Bà H không nhất trí, nhiều lần liên lạc yêu cầu anh Q chuyển nhượng đất hoặc trả lại tiền đặt cọc nhưng anh Q đều không thực hiện. Do vậy, bà H khởi kiện ra Tòa án yêu cầu anh Q phải trả lại bà H số tiền đặt cọc là 140.000.000 đồng và một khoản tiền tương đương với số tiền đặt cọc là 140.000.000 đồng.
Trước khi bà H làm đơn khởi kiện, bà H đã làm đơn tố cáo gửi Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bắc Giang để xem xét, xử lý anh Q về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Ngày 14/02/2023, Cơ quan điều tra có văn bản trả lời xác định vụ việc là tranh chấp dân sự nên hướng dẫn công dân làm đơn khởi kiện đến Tòa án để giải quyết và không thụ lý đơn tố giác của bà H.
Có quan điểm cho rằng: Cơ quan điều tra phải giải quyết theo thủ tục tố tụng hình sự, trường hợp xác định không có dấu hiệu hình sự và ra Quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì Tòa án mới thụ lý giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Có quan điểm cho rằng: Cơ quan điều tra đã có văn bản trả lời xác định là tranh chấp dân sự nên Tòa án cần thụ lý để giải quyết theo tố tụng dân sự.
Đối với việc giải quyết yêu cầu khởi kiện của bà H, có hai quan điểm khác nhau:
Quan điểm thứ nhất: Xác định hợp đồng có hiệu lực pháp luật và giải quyết chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn bà H. Buộc anh Q trả cho bà H số tiền đặt cọc và một khoản tiền tương đương với giá trị tài sản đặt cọc theo quy định tại Điều 328 Bộ luật dân sự.
Quan điểm thứ hai: Xác định hợp đồng đặt cọc là vô hiệu do khi ký kết hợp đồng các bên đều có lỗi (bên đặt cọc biết bên nhận đặt cọc chưa có quyền sử dụng lô đất, bên nhận đặt cọc chưa có quyền sử dụng lô đất). Do vậy, căn cứ Điều 408, Điều 131 Bộ luật dân sự để giải quyết, hợp đồng đặt cọc vô hiệu và giải quyết hậu quả của hợp đồng vô hiệu, buộc anh Q trả cho bà H số tiền 140.000.000đ; không chấp nhận yêu cầu của bà H về việc buộc anh Q phải trả cho bà số tiền tương đương với số tiền đặt cọc là 140.000.000 đồng.
Do vấn đề đưa ra còn có quan điểm khác nhau nên tác giả nêu ra để các đồng nghiệp tham thảo và chia sẻ quan điểm giải quyết./.
Trần Thị Huệ- VKSND thành phố Bắc Giang