.

Thứ năm, 25/04/2024 -23:08 PM

Một số khó khăn, vướng mắc phát sinh trong việc áp dụng các quy định của Luật Tố tụng hành chính liên quan đến thi hành án hành chính

 | 

Luật Tố tụng hành chính năm 2015 ra đời đã góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; giáo dục mọi người nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật; bảo đảm tính ổn định, thông suốt và hiệu lực của nền hành chính quốc gia.

Tuy nhiên, trong quá trình áp dụng các quy định của Luật Tố tụng hành chính liên quan đến việc thi hành án hành chính còn phát sinh một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể như sau:

1. Về thi hành bản án, quyết định của Tòa án có nội dung tuyên hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính

Tại điểm b khoản 1 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính... thì quyết định hoặc phần quyết định bị hủy không còn hiệu lực”. Tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP về việc thi hành bản án, quyết định của Tòa án đã hủy toàn bộ hoặc một phần quyết định hành chính quy định: “Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên hủy toàn bộ quyết định hành chính, quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh, người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung bản án, quyết định của Tòa án và theo quy định của pháp luật; thực hiện kiến nghị của Tòa án về việc xử lý đối với quyết định hành chính trái pháp luật đã bị hủy; trường hợp quyết định đó đã được thi hành toàn bộ hoặc một phần thì cơ quan đã ban hành quyết định hành chính phải thực hiện các thủ tục, biện pháp để khôi phục quyền và lợi ích hợp pháp của các bên theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, theo nguyên tắc thì quyết định hành chính đã bị Tòa án tuyên hủy sẽ đương nhiên hết hiệu lực kể từ thời điểm bản án có hiệu lực thi hành. Do vậy, khi Tòa án ra quyết định buộc thi hành án chỉ yêu cầu người phải thi hành án phải thực hiện nhiệm vụ, công vụ theo nội dung của bản án, quyết định của Tòa án, nhưng không yêu cầu cụ thể hiện nhiệm vụ, công vụ phải thực hiện là gì nên không có cơ sở cho việc tổng hợp, đánh giá vi phạm, thiếu sót để ban hành kiến nghị.

2. Về thời hạn tự nguyện thi hành bản án, quyết định của Tòa án

Tại điểm b khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính quy định: “Người phải thi hành án phải thi hành bản án, quyết định của Tòa án quy định tại các điểm a, b, c, d và đ khoản 1 Điều này trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được bản án, quyết định của Tòa án...”. Tại khoản 1 Điều 10 Nghị định số 71/2016/NĐ-CP quy định người phải thi hành án có trách nhiệm thi hành bản án quyết định của Tòa án trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 311 Luật Tố tụng hành chính.

Tuy nhiên, Luật Tố tụng hành chính không quy định cụ thể thời hạn nêu trên là người phải thi hành án phải thi hành xong bản án hay người phải thi hành án bắt đầu tiến hành hành vi công vụ để thi hành án. Trường hợp thời hạn nêu trên là thời hạn người phải thi hành án phải thi hành xong bản án thì không khả thi vì có nhiều vụ việc thi hành án hành chính phức tạp, người phải thi hành án phải căn cứ pháp luật chuyên ngành để thực hiện nhiều thủ tục, biện pháp khác nhau nhằm khôi phục quyền lợi của các bên; còn nếu thời hạn nêu trên là thời hạn người phải thi hành án phải bắt đầu tiến hành hành vi công vụ để thi hành án thì cũng gây khó khăn trong việc xác định việc người phải thi hành án vi phạm nghĩa vụ tự nguyện thi hành án hoặc chậm thi hành án hành chính.

3. Về trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính của cơ quan Thi hành án dân sự

Tại khoản 2 Điều 312 Luật Tố tụng hành chính quy định “...quyết định buộc thi hành án hành chính phải gửi cho cơ quan thi hành án dân sự nơi Tòa án đã xét xử sơ thẩm để theo dõi việc thi hành án hành chính theo quyết định của Tòa án”

Với quy định nêu trên, dẫn đến có quan điểm cho rằng Cơ quan thi hành án dân sự chỉ theo dõi thi hành án hành chính đối với các bản án, quyết định Tòa án đã ra quyết định buộc thi hành án hành chính.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 313 Luật Tố tụng hành chính quy định: Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án hành chính; Tổng cục THADS là cơ quan giúp Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm theo dõi thi hành án hành chính đối với những bản án Tòa án tuyên chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu khởi kiện và buộc cơ quan hành chính, người có thẩm quyền trong cơ quan nhà nước phải thực hiện một nhiệm vụ, công vụ cụ thể (dù đã có hay chưa có quyết định buộc thi hành án hành chính).

Trên đây là một số khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn công tác kiểm sát việc theo dõi, đôn đốc thi hành án hành chính tại địa phương./.

Nguyễn Thị Hồng- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,759,241
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.189.177

    Thư viện ảnh