Qua thực tiễn công tác Thực hành quyền Công tố và Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự về việc áp dụng tình tiết “Tái phạm nguy hiểm” theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự (BLHS), còn có những quan điểm khác nhau, tôi xin được trao đổi ý kiến cá nhân về việc áp dụng tình tiết trên đối với một vụ án cụ thể như sau:
Ngày 22/12/2022, Vi Văn C thực hiện hành vi trộm cắp tài sản trị giá 2.000.000 đồng và bị bắt. Kết quả điều tra, xác định C đã có 03 tiền án về các tội chiếm đoạt tài sản, cụ thể:
+ Ngày 01/11/2018, C bị xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 25/4/2019, C ra tù và chấp hành xong các quyết định khác của bản án.
+ Ngày 08/11/2019, C bị xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”; ngày 24/4/2020, C ra tù và chấp hành xong các quyết định khác của bản án (trong bản án này xác định C bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là tái phạm theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS).
+ Ngày 25/02/2022 C bị xử phạt 09 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”, tài sản trộm cắp trị giá 1.000.000 đồng. Chấp hành xong hình phạt tù ngày 17/8/2022.
Với những tình tiết của vụ án nêu trên, hiện có hai quan điểm về việc không áp dụng hoặc áp dụng tình tiết định khung hình phạt “Tái phạm nguy hiểm” như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Vi Văn C chỉ phạm tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. Bởi lẽ: Theo quy định tại Điều 53 BLHS và hướng dẫn tại điểm a, tiểu mục 7.3, mục 7 của Nghị quyết 01/2006, thì “Trường hợp các tiền án của bị cáo đã được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì các tiền án đó không được tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Như vậy, theo hướng dẫn trên thì bản án ngày 19/10/2022 do bị cáo C trộm cắp tài sản chưa đủ định lượng nên đã dùng các bản án năm 2018, 2019 là dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vì vậy, trong lần phạm tội này, các tiền án năm 2018 và 2019 của C đã bị loại trừ do đã được sử dụng ở bản án năm 2022.
- Quan điểm thứ hai: Vi Văn C phạm tội thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và phải khởi tố C về tội “Trộm cắp tài sản” theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS. Bởi lẽ: Tại điểm b, tiểu mục 7.3, mục 7 của Nghị quyết 01/2006, có quy định: “Trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, mặc dù bản án năm 2022 đã dùng bản án năm 2018, 2019 là dấu hiệu cấu thành tội nhưng chưa sử dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Tái phạm” theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 52 BLHS nên trường hợp này hành vi của C đã thuộc trường hợp “Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội do cố ý” theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS. Do đó, hành vi phạm tội của Vi Văn C vào ngày 22/12/2022 phải được truy tố theo điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS mới phù hợp.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất, rất mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Vi Đức Thứ- VKSND huyện Lạng Giang