ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -18:33 PM

Tính giá trị tài sản bị chiếm đoạt và số lần phạm tội như thế nào?

 | 

Nội dung vụ án: Khoảng 10 giờ, A đi chơi ở công viên và nhìn thấy chiếc túi xách của B để trên ghế đá. Nhận thấy không có người trông coi tài sản, A lại gần kéo mở khóa túi và lấy từ trong túi ra 01 chiếc điện thoại, 01 ví tiền, 01 phong bì, cho vào túi áo khoác đang mặc trên người rồi đi về nhà. Tại đây A bỏ tài sản vừa trộm cắp được ra kiểm đếm thì thấy trong phong bì có số tiền 20.000.000 đồng; trong ví tiền có số tiền 5.000.000 đồng, một số giấy tờ cá nhân, 01 thẻ ATM và 01 cuốn sổ tay. A mở sổ tay ra xem thì thấy bên trong có ghi mật khẩu điện thoại, thẻ ngân hàng cùng các tài khoản mạng xã hội. Sau đó A dùng mật khẩu trong sổ, mở khóa màn hình điện thoại rồi lấy điện thoại sử dụng (Kết luận định giá tài sản xác định chiếc điện thoại trị giá 10.000.000 đồng).

Khoảng 08 giờ sáng ngày hôm sau, A đến cây ATM, dùng thẻ ngân hàng và mật khẩu ghi trong sổ, rút được số tiền 5.000.000 đồng, sau đó đi chơi. Sau khi phát hiện sự việc, B đã đến ngân hàng báo khóa thẻ và rút nốt số tiền trong thẻ là 15.000.000 đồng. Khoảng 10 giờ cùng ngày, sau khi đi chơi, A quay lại cây ATM bấm rút thử số tiền 1.000.000 đồng nhưng thẻ báo lỗi ko rút được nên A đi về.

Qua nội dung vụ án nêu trên, tác giả xin trao đổi về một số nội dung sau:

1. Về việc áp dụng tình tiết “Phạm tội 02 lần trở lên”

Quan điểm thứ nhất: A phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên”, bởi lẽ hành vi trộm cắp các tài sản trong túi xách của B tại công viên và hành vi rút tiền trong thẻ của B tại cây ATM đã độc lập với nhau về mặt thời gian, địa điểm, cách thức thực hiện hành vi phạm tội, chủ thể quản lý tài sản cũng như tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội.

Quan điểm thứ hai: A không phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “Phạm tội 02 lần trở lên” bởi lẽ A trộm cắp được các tài sản trong túi xách của B, trong đó có thẻ ngân hàng và cuốn sổ ghi mật khẩu thẻ ngân hàng. Việc A rút được tiền tại cây ATM là do A đã khai thác những tài sản mà A đã trộm cắp được trước đó, nên có tính liên tục, thống nhất với nhau.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.

2. Về cách tính giá trị tài sản mà A trộm cắp

Quan điểm thứ nhất: A phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 40.000.000 đồng, trong đó bao gồm: 25.000.000 đồng trong túi xách, chiếc điện thoại di động trị giá 10.000.000 đồng và 5.000.000 đồng A rút ở cây ATM do đây là số tiền và tài sản A thực tế A đã chiếm đoạt được.

Quan điểm thứ hai: Ngoài số tiền 40.000.000 đồng như đã nêu ở trên, A còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 1.000.000 đồng mà A định rút trong thẻ ngân hàng của B. Do A đã có ý thức chiếm đoạt số tiền này, nhưng do hoàn cảnh khách quan là B đã khóa thẻ và rút toàn bộ tiền về nên A không thực hiện được.

Quan điểm thứ ba: Ngoài số tiền 40.000.000 đồng như đã nêu ở trên, A còn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với số tiền 15.000.000 đồng trong thẻ ngân hàng của B. Do A đã có ý thức tiếp tục chiếm đoạt tiền trong thẻ, do đó A có đủ điều kiện để chiếm đoạt toàn bộ số tiền 15.000.000 đồng, nếu B không kịp thời khóa thẻ và rút toàn bộ tiền trong đó.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ nhất.

Mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Khắc Tú - VKSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,799,574
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.12.165.68

    Thư viện ảnh