ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -19:03 PM

Phản hồi bài viết: “Vướng mắc trong việc xác định hành vi trong vụ án hình sự"

 | 

Sau khi bài viết “Vướng mắc trong việc xác định hành vi trong vụ án hình sự”của tác giảVi Văn Cảnh được đăng trên Trang tin điện tử của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang ngày 10/02/2023; Ban Biên tập trang tin nhận được bốn ý kiến phản hồi của các tác giả: Nguyễn Thùy Trang – Thanh tra, khiếu tố VKSND tỉnh; Đồng Thị Toàn -VKS huyện Lạng Giang; Nguyễn Thị Hiền – VKS huyện Yên Dũng và Phạm Thị Hồng – VKS huyện Yên Thế.

>>> Vướng mắc trong việc xác định hành vi trong vụ án hình sự?

Các tác giả trên đều đồng tình với quan điểm thứ nhất nêu trong bài viết của tác giả Vi Văn Cảnh, xác định hành vi của H cấu thành tội “Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự, với lập luận như sau:

Tác giả Nguyễn Thùy Trang: Trong vụ việc, khi dùng gậy là hung khí nguy hiểm với mục đích gây thương tích cho S, H mong muốn hậu quả xảy ra và buộc phải nhận thức hậu quả của hành vi này là gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người khác. Việc K bị thương tích với tỷ lệ 17% nằm ngoài ý thức chủ quan của H nhưng thực tế hậu quả của hành vi đã xảy ra. Mặc dù, H và K tự hòa giải, K có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H nhưng hành vi dùng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho người khác với tỷ lệ tổn thương cơ thể 17 % đã cấu thành tội “Cố ý gây thương tích cho người khác” theo quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự. Do đó, cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H theo quy định.

Tác giả Đồng Thị Toàn: H, K và T có sự bàn bạc, trao đổi, phân công nhiệm vụ và thống nhất việc đánh S từ trước (K có nhiệm vụ ôm giữ S để cho H dùng gậy đánh S). H biết rằng khi K ôm giữ S, còn H dùng gậy nhằm đánh S thì hoàn toàn những nhát đánh đó có thể gây thương tích cho cả K nhưng H có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra.Như vậy, bản thân H phải nhận thức rõ hành vi dùng gậy đánh người gây thương tích của mình nhất định hoặc có thể gây ra thương tích cho người khác, song H mong muốn và có ý thức để mặc cho hậu quả đó xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp). Thực tế, hậu quả là K đã bị H dùng gậy đánh trúng và bị thương tích 17%.

Tác giả Nguyễn Thị Hiền: Thứ nhất, xét về mặt chủ quan của tội phạm, H đã thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Thứ hai, về mặt khách quan, hành vi của H là hành vi nguy hiểm cho xã hội, khách thể bị xâm phạm là thân thể của người khác được pháp luật bảo vệ. Trong vụ việc này, H đã sử dụng hung khí nguy hiểm gây thương tích cho K. Dù K không phải đối tượng mà H nhằm vào theo ý thức chủ quan của H, nhưng hành vi gây thương tích cho người khác của H vẫn là hành vi nguy hiểm được quy định trong BLHS. Bên cạnh đó, H đã gây thương tích cho K 17% tổn hại sức khỏe, H có sử dụng hung khí nguy hiểm với lỗi cố ý. Do vậy, hành vi của H cấu thành tội Cố ý gây thương tích quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Còn quan điểm của tác giả Cảnh cho rằng hành vi của H là hành vi vô ý là không đúng vì với phân tích ở trên thì H cố ý về hành vi gây thương tích cho người khác ngay từ khi chuẩn bị công cụ, bàn bạc cùng K, T và trong quá trình thực hiện hành vi tại hiện trường nên hành vi của H không thuộc trường hợp quy định tại Điều 138 Bộ luật Hình sự như tác giả đã phân tích.

Tác giả Phạm Thị Hồng: Khi H dùng gậy vụt về phía chân S thì H đã có mục đích gây thương tích cho người khác và H nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm. Mặc dù, H chỉ muốn gây thương tích cho S, không có ý định gây thương tích cho K nhưng K là người đang ôm S, H hoàn toàn thấy trước việc dùng gậy đánh về phía S có thể gây thương tích cho K nhưng H vẫn thực hiện hành vi là để mặc cho hậu quả xảy ra. Vì vậy, xác định H đã thực hiện hành vi gây thương tích cho K với lỗi cố ý gián tiếp.

Sai lầm của H trong việc đánh giá hậu quả là một dạng sai lầm về mối quan hệ nhân quả. Theo khoa học pháp luật hình sự thì sai lầm này không có ý nghĩa trong việc loại trừ trách nhiệm hình sự, H vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hậu quả thực tế xảy ra nếu thỏa mãn cấu thành tội phạm.

Vì thương tích của K là 17%, công cụ H sử dụng là 01chiếc gậy gỗ - hung khí nguy hiểm nên thỏa mãn cấu thành tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự và không thuộc trường hợp khởi tố vụ án theo yêu cầu của bị hại. Việc K không yêu cầu xử lý đồng thời có đơn xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với H chỉ có thể được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho H.

Trên đây là tổng hợp ý kiến trao đổi đối với bài viết của tác giả Vi Văn Cảnh, Ban Biên tập mong tiếp tục nhận được nhiều ý kiến phản hồi của độc giả và đồng nghiệp.

Ban biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,139,614
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.147.68.18

    Thư viện ảnh