Nguyễn Văn A là thủ kho của Sở Nông nghiệp tỉnh. Tháng 10/2022, Sở Nông nghiệp có nhập về một số thiết bị mới phục vụ cho việc nâng cao năng suất cây trồng ở địa phương, do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, A nảy sinh ý định chiếm đoạt số thiết bị này đem đi bán. Trần Khánh B là xe ôm đến trả khách ở cổng Sở Nông nghiệp thì tình cờ biết được A đang lên kế hoạch chiếm đoạt tài sản của Sở nên đề nghị tham gia cùng và được A đồng ý. Ngày hôm sau, B đưa cho A một chiếc kìm cộng lực để A cắt khóa nhà kho. Lợi dụng đêm tối, vắng người, A khuân vác số thiết bị của Sở Nông nghiệp ra cổng, chất lên xe ba gác của B đang đợi sẵn mang đi tiêu thụ. Tổng giá trị tài sản A và B chiếm đoạt được là 17.000.000 đồng.
Về tội danh của A và B, hiện có 02 quan điểm như sau:
Quan điểm thứ nhất: A và B là đồng phạm về tội “Tham ô tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS. Hành vi chiếm đoạt tài sản được A thực hiện thông qua việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình như một phương tiện để chuyển dịch bất hợp pháp tài sản trong kho của Sở Nông nghiệp tỉnh do A trực tiếp quản lý, đem đi bán lấy tiền tiêu xài cá nhân. Còn B tham gia với vai trò người đồng phạm giúp sức vì: B đã cung cấp công cụ phạm tội là kìm cộng lực cho A thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản và là người mang số tài sản A chiếm đoạt được đi tiêu thụ.
Quan điểm thứ hai: A phạm tội “Tham ô tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 353 BLHS còn B phạm tội “Trộm cắp tài sản” được quy định tại khoản 1 Điều 173 BLHS. B không phải là đồng phạm của A về tội “Tham ô tài sản” bởi trong vụ án trên A là thủ kho của Sở Nông nghiệp có trách nhiệm quản lý tài sản, B chỉ tình cờ biết về kế hoạch chiếm đoạt tài sản của A và đề nghị tham gia mà không biết A là thủ kho của Sở Nông nghiệp và tài sản trộm cắp thuộc quyền quản lý của A. Do đó, hành vi phạm tội của B là độc lập, đủ yếu tố cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp về tình huống này./.
Vũ Đình Ước- VKSND huyện Yên Thế