ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -23:16 PM

Tổng hợp ý kiến phản hồi trao đổi bài viết “Nguyễn Văn A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Bá Tuân

 | 

Sau khi bài viết “Nguyễn Văn A phạm tội gì?” của tác giả Nguyễn Bá Tuân - Viện KSND tỉnh Bắc Giang đăng trên trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ban Biên tập trang tin nhận được 02 ý kiến phản hồi của các tác giả Vũ Đình Ước – VKSND huyện Yên Thế và Nguyễn Đức Cường – Phòng 2 VKSND tỉnh đều có chung ý kiến đồng tình với quan điểm thứ nhất nêu trong bài viết của tác giả Nguyễn Bá Tuân là hành vi của A phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” (Ban biên tập đã đăng tải).

Sau khi các ý kiến trên được đăng tải, Ban Biên tập tiếp tục nhận được ý kiến trao đổi của các tác giả Dương Diễm Quỳnh- VKSND huyện Yên Dũng và Lương Bích Hảo- VKSND huyện Lạng Giang. Hai tác giả đều đồng tình với quan điểm thứ hai nêu trong bài viết của tác giả Nguyễn Bá Tuân là hành vi của Nguyễn Văn A phạm tội “Giả mạo trong công tác”.

Tác giả Dương Diễm Quỳnh phân tích: Nguyễn Văn A được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng con dấu để đóng vào các văn bản, tài liệu của Bệnh viện BG, do đó, A là người có chức vụ, quyền hạn. A đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để thực hiện việc soạn giả nội dung “giấy ra viện”, sau đó ký giả mạo chữ ký của Giám đốc, chữ ký của bác sỹ khám bệnh, đóng dấu của Bệnh viện BG rồi cấp bán cho những người có nhu cầu cần “Giấy ra viện” để thu lời bất chính. Như vậy, A vì vụ lợi mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện hành vi “Làm, cấp giấy tờ giả” và “Giả mạo chữ kỹ của người có chức vụ, quyền hạn”. Hành vi của Nguyễn Văn A trong tình huống này cấu thành tội “Tội giả mạo trong công tác” quy định tại khoản 3 Điều 359 BLHS 2015.

Tại quan điểm thứ nhất nêu trong bài viết cho rằng: hành vi nêu trên của A thoả mãn cấu thành của tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. A phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự. Cấu thành tội phạm của tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo quy định của BLHS thì không quy định chủ thể của tội phạm phải là người có chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, trong tình huống này, nếu Nguyễn Văn A không có chức vụ, quyền hạn, không được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng con dấu thì A không thể dùng con dấu mà mình được quản lý, sử dụng để làm giả “Giấy ra viện”. Do đó, A không thể bị coi là phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Quan điểm này chưa thực sự phù hợp trong tình huống nêu trên.

Còn tác giả Lương Bích Hảo lập luận: Thứ nhất, Nguyễn Văn A là người có chức vụ, quyền hạn quy định tại khoản 2 Điều 352 BLHS và được quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng, đó là: “2. Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm: a) Cán bộ, công chức, viên chức; b) Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân; c) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; d) Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức; đ) Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.”

Thứ hai, đối tượng tác động của tội giả mạo trong công tác là giấy tờ, tài liệu, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn. Người phạm tội đã tác động vào làm cho các tài liệu, giấy tờ, chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn bị sai lệch, không đúng thực tế.

Như vậy, Nguyễn Văn A đã lợi dụng việc được giao quản lý, sử dụng con dấu và giả mạo chữ ký của Giám đốc, bác sĩ bệnh viện để thực hiện hành vi làm giả giấy ra viện; do đó, A đã phạm tội “Giả mạo trong công tác” theo Điều 359 BLHS. Trường hợp A là người không có chức vụ, quyền hạn thì không cấu thành tội này.

Ban Biên tập tổng hợp và mong tiếp tục nhận được ý kiến trao đổi của đồng chí, đồng nghiệp ./.

Ban biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,802,945
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.205.149

    Thư viện ảnh