ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Chủ nhật, 22/12/2024 -23:10 PM

Vướng mắc trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thi hành án đối với người bị kết án được hưởng án treo và cải tạo không giam giữ.

 | 

Thực hiện quy định của Luật thi hành án hình sự, Viện KSND thành phố Bắc Giang đã phối hợp với Cơ quan thi hành án hình sự và Toà án nhân dân thành phố Bắc Giang thực hiện có hiệu quả công tác thi hành án hình sự, góp phần đảm bảo các bản án đã có hiệu lực pháp luật được thi hành đầy đủ, đúng pháp luật.

Qua nghiên cứu các quy định của Luật thi hành án hình sự và các văn bản hướng dẫn của Liên ngành Trung ương về việc thi hành án treo thấy còn có vướng mắc cần được hướng dẫn, cụ thể như sau:

Điều 36 Bộ luật hình sự quy định:

1. Cải tạo không giam giữ được áp dụng từ 06 tháng đến 03 năm đối với người phạm tội ít nghiêm trọng, phạm tội nghiêm trọng do bộ luật này quy định mà đang có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi cư trú rõ ràng…

2. Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Điều 65 Bộ luật hình sự quy định:

1. Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

2. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.

Như vậy, theo quy định trên thì Toà án có quyền quyết định giao người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức nơi người được hưởng án treo, người bị phạt cải tạo không giam giữ làm việc, học tập giám sát, giáo dục.

Tuy nhiên, theo quy định tại điểm c, d khoản 3 Điều 11; Điều 94 và Điều 106 Luật Thi hành án hình sự thì cơ quan, tổ chức nơi người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ làm việc, học tập không thuộc cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự nên không có thẩm quyền giám sát, giáo dục độc lập đối với người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ mà chỉ có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc giám sát, giáo dục người chấp hành án treo, cảo tạo không giam giữ. Mặt khác, tại Mục 1, 3. Chương V Luật thi hành án hình sự không có quy định về trình tự, thủ tục giao người chấp hành án treo, cải tạo không giam giữ cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục; đồng thời cũng không có quy định về trình tự thủ tục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của người được hưởng án treo, giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ của cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc, học tập.

Để tháo gỡ vướng mắc nêu trên, đề nghị Liên ngành tư pháp Trung ương cần sớm ban hành hướng dẫn để thống nhất thực hiện trong thực tiễn./.

Trần Ngọc Nam- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,802,884
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.214.43

    Thư viện ảnh