Thông qua hoạt động kiểm sát có thể phát hiện được một số dạng vi phạm thường gặp khi việc xác minh điều kiện thi hành án dân sự như sau:
Hết thời hạn tự nguyện nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh:
Theo quy định của Luật THADS thì trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn tự nguyện thi hành án mà người phải thi hành án không tự nguyện thi hành thì Chấp hành viên phải tiến hành xác minh nhưng hết thời gian tự nguyện Chấp hành viên cũng không tổ chức tiến hành xác minh.
Trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án nhưng không xác minh theo định kỳ:
Theo quy định trong trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án thì ít nhất 06 tháng một lần Chấp hành viên phải xác minh điều kiện thi hành án; trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành án là người đang chấp hành hình phạt tù mà thời gian chấp hành hình phạt tù còn lại từ 02 năm trở lên hoặc không xác định được địa chỉ, nơi cư trú mới của người phải thi hành án thì thời hạn xác minh ít nhất 01 năm một lần. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều trường hợp người quá thời hạn nêu trên nhưng Chấp hành viên không tiến hành xác minh, thậm chí có trường hợp nhiều năm Chấp hành viên không tiến hành xác minh.
Không thông báo kết quả xác minh cho người được thi hành án:
Theo quy định sau hai lần xác minh mà người phải thi hành án vẫn chưa có điều kiện thi hành án thì cơ quan Thi hành án dân sự phải thông báo bằng văn bản cho người được thi hành án về kết quả xác minh. Nhưng trên thực tế nhiều trường hợp cơ quan Thi hành án dân sự hai lần xác minh đếu xác định người phải thi hành án không có điều kiện thi hành án nhưng không thông báo cho người được thi hành án biết.
Không tiến xác minh khi có thông tin về thi hành án:
Khi có thông tin mới về điều kiện thi hành án của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác cung cấp thông tin mới về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, Chấp hành viên phải tiến hành xác minh. Qua kiểm sát phát hiện nhiều việc thi hành án khi có thông tin về thi hành án Chấp hành viên không tiến hành xác minh.
Văn bản ủy quyền xác minh sơ sài:
Nhiều việc Chấp hành viên ủy quyền cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, cư trú, làm việc hoặc có trụ sở để xác minh điều kiện thi hành án nhưng văn bản uỷ quyền sơ sài, không nêu rõ những vấn đề cần xác minh nên kết quả xác minh không đầy đủ, chặt chẽ. Khi xác minh bằng văn bản thì văn bản Chấp hành viên đề ra yêu cầu xác minh không nêu rõ nội dung xác minh và các thông tin cần thiết khác dẫn đến phải ủy quyền xác minh bổ sung.
Không xác minh ở cơ quan chức năng đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu:
Đối với tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, sử dụng hoặc đăng ký giao dịch bảo đảm thì không xác minh tại cơ quan có chức năng đăng ký tài sản, giao dịch đó dẫn tới việc cưỡng chế, kê biên, bán đấu giá tài sản có vi phạm, bị khiếu kiện kéo dài.
Biên bản xác minh ghi không đầy đủ:
Việc xác minh điều kiện thi hành án còn mang tính hình thức, nhiều biên bản xác minh chỉ ghi chung chung như: Người phải thi hành án không có thu nhập ổn định, không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…dẫn đến nhiều trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng cơ quan Thi hành án dân sự vẫn ra quyết định chưa có điều kiện thi hành án.
Việc không cung cấp hoặc chậm cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án nhưng Chấp hành viên không đôn đốc thực hiện:
Một số cơ quan như: Bảo hiểm xã hội, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác đang năm giữ thông tin hoặc quản lý tài sản, tài khoản của người phải thi hành án sau khi nhận được yêu cầu cung cấp thông tin về điều kiện thi hành án của Chấp hành viên nhưng không cung cấp hoặc cung cấp kịp thời nhưng Chấp hành viên không đôn đốc thực hiện dẫn đến kéo dài thời hạn giải quyết.
Đào Văn Long- VKSND huyện Việt Yên