Thông tư liên tịch số 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng về phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự đã làm rõ các quy định về điều tra, truy tố, mối quan hệ phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát, tạo thuận lợi cho hai cơ quan trong quá trình khởi tố, điều tra, giải quyết vụ án hình sự. Tuy nhiên tại Điều 3 Thông tư số 04 quy định:
3. Trường hợp xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với người đang bị tạm giữ thì thời hạn xét phê chuẩn không quá thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ. Chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ 24 giờ, Cơ quan điều tra phải chuyển hồ sơ đề nghị xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trường hợp Viện kiểm sát yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ xét phê chuẩn, thì thời gian bổ sung chứng cứ, tài liệu không quá thời hạn gia hạn tạm giữ; nếu không bổ sung được chứng cứ, tài liệu trong thời hạn gia hạn tạm giữ thì Cơ quan điều tra phải có văn bản nêu rõ lý do và đề nghị Viện kiểm sát xem xét, quyết định.
Trong thực tế có nhiều trường hợp với các tài liệu, chứng cứ Cơ quan điều tra đã thu thập được chưa đủ căn cứ để Viện kiểm sát quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can trong thời hạn tạm giữ hoặc gia hạn tạm giữ, nhưng cũng không đủ căn cứ ra quyết định hủy bỏ. Do vậy, Viện kiểm sát thực hiện quyền yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu làm căn cứ để quyết định việc phê chuẩn trong thời hạn còn lại của thời hạn tạm giữ là rất khó khăn, bất cập cho hoạt động của Kiểm sát viên nghiên cứu tài liệu, chứng cứ để đề xuất lãnh đạo xem xét quyết định vì thời gian dành cho hoạt động này chỉ có 24 giờ, trong khi đó có vụ án đông đối tượng thực hiện hành vi phạm tội hoặc có khó khăn, vướng mắc trong việc đánh giá chứng cứ. Khi ban hành văn bản yêu cầu bổ sung chứng cứ, tài liệu sẽ xảy ra 2 trường hợp như sau:
Thứ nhất: Khi Quyết định khởi tố bị can đồng thời CQĐT ra ngày Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. Thời điểm này người bị tạm giữ chưa có tư cách là bị can do chưa có quyết định phê chuẩn của Viện kiểm sát nhưng đã được trả tự do áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.
Thứ hai: CQĐT đã ra Quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ nhưng chưa bàn giao cho Nhà tạm giữ thì khi hết thời hạn tạm giữ CQĐT cũng không thể ra tiếp quyết định gia hạn thời hạn tạm giữ để tiến hành điều tra, bổ sung chứng cứ theo yêu cầu của Viện kiểm sát vì khi đã có Quyết định khởi tố bị can thì không thể áp dụng biện pháp tạm giữ.
Như vậy, trong cả 2 trường hợp trên CQĐT đều đã hủy bỏ biện pháp tạm giữ và người bị tạm giữ được trả tự do khi chưa phải là bị can. Những nội dung yêu cầu, bổ sung chứng cứ của Viện kiểm sát CQĐT vẫn thực hiện nhưng nhất thiết phải thực hiện trong thời hạn gia hạn tạm giữ, trong khi Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn chưa có quy định thời hạn bổ sung chứng cứ của CQĐT. Đây là một trong những vướng mắc, bất cập trong thực tế, bởi lẽ việc phê chuẩn quyết định khởi tố bị can có quan hệ chặt chẽ với việc áp dụng biện pháp ngăn chặn. Do vậy, cần được cấp có thẩm quyền hướng dẫn thực hiện nhưng hiện tại đang chưa có sự nhận thức thống nhất về việc áp dụng pháp luật, do đó tác giả xin đưa ra một số ý kiến trao đổi như sau:
Quá trình xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can trong trường hợp không áp dụng biện pháp ngăn chặn là Tạm giam cần thống nhất thực hiện quy định về thời hạn theo Quyết định số 111 /QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của Viện trưởng VKSND tối cao.
Tại Chương V Quy chế đã quy định về thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra đã quy định cụ thể về xét phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can. Theo đó:
1. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được quyết định khởi tố bị can của Cơ quan có thẩm quyền điều tra, Kiểm sát viên thụ lý giải quyết vụ án phải kiểm tra tính có căn cứ và hợp pháp của quyết định khởi tố bị can để xử lý như sau:
a) Nếu thấy quyết định khởi tố bị can có căn cứ và hợp pháp thì Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện quyết định phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và gửi ngay cho cơ quan đã ra quyết định;
b) Nếu thấy chưa rõ căn cứ xác định bị can phạm tội thì Kiểm sát viên yêu cầu cơ quan đã ra quyết định khởi tố bổ sung tài liệu, chứng cứ để làm rõ căn cứ khởi tố. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ khi nhận được tài liệu, chứng cứ bổ sung, Kiểm sát viên báo cáo, đề xuất lãnh đạo đơn vị, lãnh đạo Viện ra quyết định phê chuẩn hoặc quyết định hủy bỏ quyết định khởi tố bị can./.