.

Thứ sáu, 26/04/2024 -15:58 PM

Một số kinh nghiệm từ thực tiễn giải quyết vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”

 | 

Qua 03 năm (2019-2022) thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 25/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen, Viện KSND thành phố Bắc Giang đã phối hợp với Cơ quan điều tra và Tòa án nhân dân thành phố Bắc Giang xử lý tổng số 05 vụ/ 08 bị cáo về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo Điều 201 BLHS.

Ảnh minh họa

Điển hình là vụ án Nguyễn Văn Khánh, sinh năm 1986 ở thôn Lò, xã Tân Mỹ, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang Đồng Quốc Kiên, sinh năm 1995, trú tại thôn Ao Vè, xã Vô Tranh, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang bị truy tố về tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự” theo khoản 2 Điều 201 BLHS. Hai bị cáo đã cho vay lãi dưới nhiều hình thức như cầm đồ, bát họ, vay lãi đối với hàng trăm người liên quan, số tiền thu lời bất chính là 1.300.000.000 đồng.

Ảnh minh họa

Từ thực tiễn giải quyết các vụ án cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự trên địa bàn thành phố Bắc Giang trong thời gian qua, chúng tôi rút ra bài học kinh nghiệm khi kiểm sát giải quyết những vụ án về tội phạm này như sau:

Trước hết, Kiểm sát viên cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm phải chủ động phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án cùng cấp trong giải quyết các vụ án liên quan đến tín dụng đen để giải quyết đảm bảo đúng quy định của pháp luật; xác định ngay từ đầu đây là những vụ án có tính chất phức tạp, được dư luận quan tâm và tính chất đặc thù khi giải quyết những vụ án này đó là phải thu giữ được chứng cứ vật chất làm căn cứ đấu tranh vì đối tượng phạm tội thường có biểu hiện quanh co, chối tội gây khó khăn cho việc xử lý. Kiểm sát viên cần chủ động nghiên cứu đề xuất kịp thời việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với đối tượng thực hiện hành vi phạm tội tránh việc tác động từ phía các đối tượng cho vay liên quan về các khoản vay đặc biệt là lãi suất đối với người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; kịp thời báo cao Lãnh đạo Viện kiểm sát để trao đổi với lãnh đạo Cơ quan điều tra trong việc hướng dẫn, chỉ đạo Điều tra viên, Kiểm sát viên phối hợp trong các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ ban đầu; thống nhất đánh giá về căn cứ để quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; nếu có căn cứ để bắt tạm giữ, tạm giam thì khẩn trương thực hiện, tránh việc đối tượng phạm tội thay đổi lời khai, thống nhất trao đổi với người liên quan, tiêu hủy vật chứng gây khó khăn cho việc xử lý.

Thứ hai, chú trọng công tác phối hợp khi khám xét khẩn cấp, thu giữ đồ vật tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay lãi. Thực tiễn cho thấy cần thiết phải thu giữ ngay tại nơi ở và nơi hoạt động cho vay của các đối tượng thu giữ đồ vật tài liệu liên quan, sau đó tiến hành kiểm tra trong thời gian sớm nhất. Qua đó góp phần giúp các cơ quan tiến hành tố tụng sử dụng làm chứng cứ để giải quyết vụ án đúng pháp luật.

Thứ ba, trong quá trình khởi tố, điều tra phải tăng cường phối hợp trong việc điều tra thu thập, đánh giá chứng cứ nhất là những vụ án có vướng mắc, tranh chấp về xác định số lần cho vay, mức lãi suất, số tiền gốc cho vay, số tiền thu lời bất chính, số tiền hưởng theo quy định pháp luật. Khi giải quyết vụ án này cần chú ý làm rõ những điểm mâu thuẫn trong lời khai của bị can và mối liên hệ giữa lời khai của bị can với các nguồn chứng cứ khác; tránh tình trạng đánh giá chứng cứ một chiều, suy diễn chủ quan, áp đặt. Kiểm sát viên phải tham gia trực tiếp các hoạt động điều tra như hỏi cung bị can, lấy lời khai người liên quan và các hoạt động điều tra khác; kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2021/NQ-HĐTP ngày 20/12/2021 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao.

Trong giai đoạn điều tra, Kiểm sát viên phải để ra yêu cầu điều tra; nội dung yêu cầu hỏi cung bị can phải cụ thể, chi tiết, trong trường hợp cần thiết thì lấy thêm lời khai người liên quan có ghi âm, ghi hình để đảm bảo chứng cứ vững chắc khi truy tố, xét xử. Kiểm sát viên chủ động lấy lời khai người liên quan, giải thích cụ thể về quyền và lợi ích của người liên quan trong vụ án (như nếu người liên quan chưa trả gốc thì sẽ bị truy thu từ đó yêu cầu cung cấp chứng cứ như liên quan đến việc trả nợ gốc, nợ lãi; giải thích về sự cần thiết phải có mặt tại các buổi đối chất, tại các phiên tòa của Cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo quyền và lợi ích của chính bản thân trong vụ án; giải thích quyền được đòi lại số tiền thu lời bất chính từ các bị can, bị cáo);

Trước khi kết thúc điều tra, Kiểm sát viên phải chủ động phối hợp với Điều tra viên rà soát, tổng hợp, đánh giá chứng cứ, xem xét đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can; trong giai đoạn xét xử phải chuẩn bị kỹ lưỡng đề cương xét hỏi, tranh luận và chủ động xét hỏi bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội (đặc biệt là liên quan đến số tiền gốc bị truy thu) và các tình tiết có ý nghĩa để giải quyết vụ án.

Thứ tư, thông qua công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về cho vay trong các giao dịch dân sự thông qua việc viết bài đưa tin pháp luật. Cập nhật, thông báo những phương thức, thủ đoạn cho vay nặng lãi, lừa đảo thông qua huy động vốn tự phát với lãi suất cao bất thường, các hành vi đòi nợ trái pháp luật, hậu quả của “tín dụng đen” và các vụ, việc nghiêm trọng liên quan đến vỡ hụi, biêu, phường... để người dân biết, nâng cao cảnh giác và chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Vận động người dân không tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” hoặc lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, đòi nợ, kinh doanh tài chính để vi phạm pháp luật.

 Trên đây là một số kinh nghiệm thực tiễn rút ra từ việc giải quyết vụ ánvề tội “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự”./. 

Nguyễn Thị Việt Anh- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,765,372
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.221.174.248

    Thư viện ảnh