.

Thứ sáu, 26/04/2024 -13:45 PM

Bất cập trong việc xác định tiền sự với người dưới 18 tuổi

 | 

Tiền án, tiền sự là một trong các yếu tố thuộc về nhân thân người phạm tội và có ý nghĩa quan trọng đối với việc định tội danh và quyết định hình phạt. BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (sau đây gọi tắt là BLHS năm 2015) mặc dù đã có nhiều quy định tiến bộ về xóa án tích theo hướng có lợi cho người phạm tội, tuy nhiên liên quan đến tiền án, tiền sự vẫn còn một số bất cập cần hoàn thiện để đảm bảo nguyên tắc công bằng khi áp dụng BLHS.

Trước đây, theo quy định của Điều 77 BLHS năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009), thời hạn để xóa án tích đối với người chưa thành niên là một phần hai thời hạn xóa án tích của người đã thành niên phạm tội quy định tại Điều 64 của BLHS. Tương ứng thì Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định thời hạn để người chưa thành niên được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính (06 tháng) bằng một nửa thời hạn quy định đối với người đã thành niên.

Tuy nhiên, BLHS năm 2015 đã quy định theo hướng có lợi cho người chưa thành niên phạm tội, thay vì mọi trường hợp người chưa thành niên phạm tội đều phải qua một thời hạn nhất định để xóa án tích, BLHS năm 2015 quy định một số trường hợp coi là không có án tích như: Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi bị kết án được coi là không có án tích về mọi tội phạm; Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi bị kết án về tội ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng do vô ý; Người chưa thành niên bị áp dụng biện pháp tư pháp (khoản 1 Điều 107 BLHS). Trong khi đó, thời hạn để được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính đối với người dưới 18 tuổi theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020) vẫn chưa có sự thay đổi, không có quy định nào về trường hợp đương nhiên coi là không có “tiền sự”. Điều đó dẫn đến có trường hợp việc người dưới 18 tuổi đã bị xử phạt hành chính bất lợi hơn người dưới 18 tuổi phạm tội. Sự bất lợi này thể hiện rõ ràng nhất trong các trường hợp định tội danh có sử dụng tình tiết “đãbị kết án” hoặc “đã bị xử phạt vi phạm hành chính”, như ví dụ sau:

A và B cùng sinh năm 2004. Ngày 15/01/2021, A trộm cắp tài sản trị giá 3.000.000 đồng và bị kết án 06 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản, A chấp hành xong bản án ngày 15/10/2021. Ngày 15/6/2021, B trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng và bị xử phạt hành chính, B đã nộp tiền phạt cùng ngày. Đến ngày 15/11/2021, A và B cùng đi trộm cắp tài sản trị giá 1.500.000 đồng và bị phát hiện. Vì A đã từng phạm tội nhưng thuộc trường hợp coi là không có án tích nên không bị khởi tố, B là người chưa từng phạm tội, nhưng bị xác định là có tiền sự nên vẫn bị khởi tố về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 173 BLHS năm 2015.

Theo quan điểm của tác giả, cần có quy định tương xứng giữa quy định của BLHS và Luật xử lý vi phạm hành chính theo hướng quy định các trường hợp người dưới 18 tuổi coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính mà không cần thời hạn để đảm bảo sự công bằng giữa người dưới 18 tuổi bị kết án và người dưới 18 tuổi bị xử phạt hành chính. Đồng thời thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật Việt Nam nói chung và luật hình sự nói riêng./.

Phạm Thị Hồng- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,764,237
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.241.82

    Thư viện ảnh