Q đang điều khiển xe trên đường thì thấy có một người phụ nữ đi xe Honda SH đi một mình là chị P cùng hướng di chuyển với Q, thấy vậy Q đi theo phía sau. Khi đó Q quan sát thấy tay chị P có cầm một chiếc điện thoại di động nên nảy sinh ý định chiếm đoạt chiếc điện thoại này. Khi Q bám theo chị P thì thấy chị P rẽ phải dừng lại trước cửa nhà nghỉ K. Q thấy chị P cầm điện thoại bằng tay trái điện nói chuyện rồi chống chân chống xe ngồi trên xe. Q đỗ xe phía sau cách chị P khoảng 5m, đi đến phía bên trái chị P và thò tay giật chiếc điện thoại của chị P nhưng bị trượt, chị P giằng ra và nhảy sang phía bên phải xe thì bị ngã ngồi bệt xuống đất. Sau đó, Q chạy lại gần và dùng tay trái nắm giữ chặt cổ tay trái của chị P, còn tay phải cầm vào chiếc điện thoại giật ngược ra phía sau. Chị P buông điện thoại ra đồng thời cũng ngã ngửa về phía sau. Sau khi lấy được điện thoại, Q chạy ra phía xe máy để bỏ chạy, chị P lúc đó đứng dậy đuổi theo định túm tay trái của Q nhưng không túm được nên chị P tiếp tục túm tay vào gương bên trái xe máy của Q định kéo lại, lúc đó Q tăng ga xe bỏ chạy làm chị P bị ngã xuống đất.
Từ nội dung vụ án như trên, hiện có hai quan điểm:
Quan điểm thứ nhất:
Q có hành động dùng vũ lực khống chế, giữ tay của chị P, làm cho chị P lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt chiếc điện thoại của chị P. Nên hành vi của Q đủ yếu tố cấu thành tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 BLHS.
Quan điểm thứ hai:
Hành vi Q khống chế giữ tay chị P chỉ nhằm mục đích giật chiếc điện thoại, chứ không dùng vũ lực tấn công chị P, sau khi giật được chiếc điện thoại Q nhanh chóng rời khỏi hiện trường. Hành vi này đã thoả mãn dấu hiệu của tội cướp giật tài sản là “nhanh chóng chiếm đoạt tài sản và nhanh chóng tẩu thoát” quy định tại Điều 171 BLHS.
Bản thân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, xin trao đổi cùng đồng nghiệp và bạn đọc./.
Đặng Cao Sơn- Viện KSND huyện Tân Yên