Nội dung vụ việc: Hồi 15 giờ 15 ngày 13/9/2021, Nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Yên bắt quả tang các đối tượng Nguyễn Trường S, sinh năm 1966, trú tại tổ dân phố X, thị trấn N, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy tại nhà riêng. Vật chứng thu giữ được khi bắt quả tang gồm: 01 cân điện tử, vỏ ngoài màu đỏ, trắng có chữ “Manlloro”; ma túy cùng một số đồ vật tài liệu khác.Quá trình điều tra Cơ quan điều tra xác minh chiếc cân điện tử không liên quan đến hành vi phạm tội của S; tuy nhiên, S khai nhận chiếc cân đó không phải là của S. Không biết là của ai? Ai mang đến? Nên không có căn cứ xác định chủ sở hữu của tài sản. Vậy, trong trường hợp trên phải xử lý vật chứng đối với chiếc cân điện tử như thế nào? Hiện nay, có hai quan điểm về xử lý vật chứng như sau:
Quan điểm thứ nhất, Việc S không thừa nhận chiếc cân điện tử sợ Cơ quan điều tra quy trách nhiệm ngoài tàng trữ trái phép chất ma túy ra còn tội mua bán trái phép chất ma túy nên S không dám nhận. Nên việc xử lý vật chứng đối với cân điện tử là tịch thu xung công quy nhà nước theo quy định.
Quan điểm thứ hai, để đảm bảo việc xử lý vật chứng chặt chẽ, cần phải áp dụng luật dân sự đối với “tài sản do người khác đánh rơi, bỏ quên”. Trong trường hợp này, nếu Cơ quan điều tra chưa thông báo công khai để chủ sở hữu đến nhận lại thì quá trình chuẩn bị xét xử Viện kiểm sát yêu cầu tòa án thông báo công khai tại Tòa. Nếu thời gian chuẩn bị xét xử hết mà chưa có người nhận lại thì việc xét xử diễn ra bình thường nhưng tách phần tài liệu liên quan đến cân điện tử để chờ xử lý sau, việc tách tài liệu phải được ghi nhận trong bản án. Khi hết thời gian một năm kể từ khi thông báo công khai mà vẫn chưa có người đến nhận thì mới xử lý theo quy định của pháp luật.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ 2, rất mong các đồng chí, đồng nghiệp tham gia đóng góp quan điểm./.
Hà Đăng Chương- VKSND huyện Tân Yên