ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 23/11/2024 -20:09 PM

Bàn về thẩm quyền giải quyết vụ án tranh chấp dân sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

 | 

Thực tiễn giải quyết các vụ án dân sự, nhất là các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất và tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời gian gần đây, xảy ra nhiều trường hợp đương sự yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo hướng dẫn tại mục 1 Phần I Công văn số 02/GĐ-TANDTC ngày 19/9/2016của Tòa án nhân dân tối cao về Giải đáp nghiệp vụthì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định cá biệt. Khoản 1 Điều 34 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) quy định “Khi giải quyết vụ việc dân sự, Tòa án có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trong vụ việc dân sự mà Tòa án có nhiệm vụ giải quyết”. Luật quy định “Tòa án có quyền” có nghĩa là Tòa án có thể hủy hoặc không hủy quyết định cá biệt. Theo logic, việc hủy hay không hủy quyết định cá biệt là kết quả của quá trình Tòa án xem xét, đánh giá quyết định cá biệt đó cùng với việc giải quyết vụ án. Vấn đề đặt ra là tùy từng trường hợp, Tòa án có thể xem xét hoặc không xem xét đến quyết định cá biệt. Thông thường, khi có yêu cầu của đương sự (hợp lệ) thì Tòa án xem xét đến quyết định cá biệt. Lúc này, Tòa sẽ xác định thẩm quyền giải quyết, tiến hành các thủ tục tố tụng, thu thập chứng cứ để cuối cùng đưa ra hủy hay không hủy quyết định đó. Đối với vụ án tranh chấp dân sự do Tòa án cấp huyện thụ lý, đương sự có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Tòa án cấp huyện chuyển đến Tòa án cấp tỉnh để giải quyết theo quy định tại Khoản 4 Điều 34 BLTTDS. Tuy vậy, còn có trường hợp cá biệt theo hướng dẫn tại Điều 2, mục II Công văn số 64/TANDTC-PCngày 3/4/2019của Tòa án nhân dân tối caođó là“…khi giải quyết tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất mà hợp đồng đó bị vô hiệu, nhưng người nhận chuyển quyền đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đã được xác nhận nội dung biến động thì không đưa cơ quan có thẩm quyền trong việc cấp giấy tham gia tố tụng và không cần phải tuyên hủy giấy chứng nhận cấp cho người nhận chuyển nhượng. Khi Tòa án tuyên hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất vô hiệu thì Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan Tài nguyên và Môi trường căn cứ vào bản án, quyết định của Tòa án để giải quyết điều chỉnh biến động hoặc cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phù hợp với kết quả giải quyết của Tòa án”.  

Trường hợp không xem xét đến quyết định cá biệt, Tòa án cấp huyện sẽ giữ lại vụ án để giải quyết. Vụ án sau đây là một ví dụ: 

Theo đơn khởi kiện và lời khai tại tòa, nguyên đơn là bà T trình bày: Gia đình bà có thửa đất được UBND huyện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu năm 2001, diện tích được cấp là 1.350 m2. Đến năm 2008 bà T tự kê khai lại và được cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích được cấp 1.500m2 (tăng 150m2 so với giấy cũ). Nguồn gốc thửa đất là do hợp tác xã giao cho bố bà từ năm 1979, khi giao đất không có giấy tờ gì, không được cắm mốc. Năm 1980 vợ chồng bà T ra ở riêng trên đất này, khi đó trên đất có dãy bạch đàn của ông L, bà T hỏi mua dãy bạch đàn nhưng ông L không bán, sau này ông L đổi dãy bạch đàn cho ông N. Năm 2012, bà T xây tường bao khu đất nhưng ông N không đồng ý cho xây tường bao cả dãy bạch đàn nên bà T xây thụt lại, hai bên xảy ra tranh chấp đối với phần diện tích đất có dãy bạch đàn. Bà T yêu cầu ông N trả lại bà diện tích đất có dãy bạch đàn. Quá trình chuẩn bị xét xử, ông N không đề nghị hủy giấy chứng nhận đã cấp năm 2008 cho bà T, đến phiên tòa ông mới có yêu cầu. Tòa án đánh giá việc cấp giấy chứng nhận cho bà T năm 2008 không đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Hội đồng xét xử tuyên bác yêu cầu của bà T nhưng không xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Có ý kiến cho rằng việc Tòa án không xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giữ lại vụ án để xét xử là có căn cứ vì ông N đến phiên tòa mới có yêu cầu. Mặt khác việc Tòa án không tuyên hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp năm 2008 cho bà T không ảnh hưởng đến quyền lợi của ông N và ông N có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện quyết định đó trong vụ án hành chính khác.

Theo quan điểm của tác giả, việc Tòa án cấp huyện giữ lại vụ án nêu trên để giải quyết là không đảm bảo. Bỡi lẽ, quy định tại khoản 1 Điều 34 BLTTDS cần được hiểu một cách rộng rãi là ngay cả khi các đương sự không có yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án vẫn phải xem xét và có quyền hủy quyết định đó với điều kiện là quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái pháp luật và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.  Trường hợp trên rõ ràng có căn cứ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của bà T được cấp trái quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn nhưng không được Tòa án xem xét hủy quyết định cá biệt. Việc làm đó trái với hướng dẫntại Mục 7 Công văn số 89/TANDTC- PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao đó là: “...đối với tranh chấp liên quan đến ranh giới đất bị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chồng lấnnếu thấy cần thiết phải xem xét việc hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp tỉnh”.

Tuy vậy, trường hợp thế nào là “cần thiết phải xem xét” còn có cách hiểu khác nhau, cần được đánh giá toàn diện. Theo tác giả, không phải vụ án nào liên quan đến yêu cầu hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng phải xem xét chuyển vụ án lên Tòa án cấp tỉnh. Trong điều kiện hiện nay, đối với các vụ án tranh chấp quyền sử dụng đất Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý mà có căn cứ xác định quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất làtrái pháp luật và phải hủy mới bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự thì Tòa án nhân dân cấp huyện phải xem xétvà phải chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Ngược lại, đối với trường hợp qua xác minh giải quyết vụ án mà thấy không có căn cứ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án cấp huyện tiếp tục giải quyết vụ án là phù hợp với quy định của pháp luật . /.

Nguyễn Thị Hồng Nhung - Viện KSND huyện Hiệp Hòa

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,434,392
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.40.53

    Thư viện ảnh