ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -04:35 AM

Xác định tội danh đối với H, N, K?

 | 

Ngày 16/3/2022, H đang ở nhà thì có N đến chơi ngồi tại bàn ở phòng khách, H vẫn nằm ở giường. Một lúc sau thì K đến ngồi chơi cùng N, sau đó K lấy 200.000đ đi đến giường đưa cho H bảo đi mua tuý về để sử dụng. H nói “Hai trăm nghìn ít quá chơi gì”, K để tiền ở giường rồi ra bàn ngồi cùng N. Tại đây, N hỏi K 200.000đ để ở đâu, K nói tiền để ở giường của H. N đi vào giường chỗ H nằm tự lấy 200.000đ đi ra ngoài gọi điện cho T hỏi mua 200.000đ ma tuý đá và 200.000đ ma tuý ngựa và bảo đem đến nhà H (H, N, K, T quen biết nhau từ trước). T đồng ý và đi đến nhà H. Tại nhà H, N đưa 200.000đ và tháo 01 chuyền bạc N đang đeo trên cổ cho T để mua ma tuý. T cầm tiền và dây chuyền bạc đi về nhà lấy ma tuý. T cầm ma túy quay lại nhà H thì H nói hết giấy bạc, T ra ngoài mua giấy bạc. Trong lúc T đi mua giấy bạc, N và K tự đi lên gác nhà H, K lấy một chai thuỷ tinh có sẵn ở góc nhà rồi cắp ống hút vào để làm dụng cụ sử dụng ma tuý. H cũng đi lên gác, T về đi lên sau. Tại gác xép nhà H, T bỏ túi ma tuý và cuộn giấy bạc vừa mua để xuống sàn. K đổ ma tuý ra giấy bạc rồi dùng bật lửa hơ nóng bên dưới để hít khói ma tuý qua chai thuỷ tinh cắm ống hút. Do K không biết làm nên T đã thay K hơ nóng để mọi người cùng sử dụng. Khi các đối tượng sử dụng ma tuý xong (sử dụng hết số ma tuý đã mua) thì bị phát hiện, bắt giữ. Kết quả giám định nước tiểu của H, N, K, T đều tìm thấy chất ma tuý Methamphetamine.

Quá trình giải quyết vụ án, có 02 quan điểm khác nhau về xác định tội danh đối với các đối tượng trên.

* Quan điểm thứ nhất:T phạm tội “Mua bán trái phép chất ma tuý”; H phạm tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”. Xử phạt vi phạm hành chính đối với N, K về hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý.

* Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm tác giả:

- Đối với hành vi của T: T là ngườibán ma túy cho N nên bị khởi tố về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”là có căn cứ. Ngoài hành vi bán ma túy ra, T còn chuẩn bị công cụ, phương tiện để sử dụng trái phép chất ma túy và hỗ trợ đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác (mua giấy bạc, hơ đốt giấy bạc để H, N, K và bản thân cùng sử dụng). Tuy nhiên, bản chất của T là người bán ma tuý, việc T mua giấy bạc, hỗ trợ người khác sử dụng ma túy thực chất chỉ là bỏ công ra để được sử dụng ma tuý nên không xem xét xử lý thêm về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” là phù hợp.

- Đối với hành vi của H, N, K đều phạm tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” bởi lẽ:

+ Tại Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 hướng dẫn như sau:

“6.1. “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là một trong các hành vi sau đây:

a) Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác;

b) Chỉ huy, phân công, điều hành việc chuẩn bị, cung cấp chất ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy, tìm người sử dụng chất ma túy.

+ Tại Công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn như sau: “…Còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ… để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy... Do đó, hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”. Người có hành vi này bị xử lý theo quy định tại Điều 255 của Bộ luật Hình sự”

+ Theo Công văn số 02/TANDTC-PC ngày 02/8/2021 của Tòa án nhân dân tối cao: "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được hiểu là thực hiện một trong các hành vi bố trí, sắp xếp, điều hành con người, phương tiện; cung cấp ma túy, địa điểm, phương tiện, dụng cụ... để thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy.

+ Ngày 30/11/2020, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Công văn số 5442/VKSTC-V14 về việc giải đáp một số khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định của BLHS, BLTTHS năm 2015 và thi hành án hình sự hướng dẫn áp dụng pháp luật về “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” tại tiểu mục 16.2 mục 16 phần I, giải đáp như sau:

“… người nghiện ma tuý có hành vi cung cấp chất ma tuý cho người nghiện ma tuý khác sử dụng tại địa điểm thuộc quyền sở hữu, chiếm hữu hoặc quản lý của mình thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý”.

Trong trường hợp này, N là người trực tiếp liên hệ mua ma tuý và góp dây chuyền bạc; K là người góp 200.000 đồng và chuẩn bị dụng cụ sử dụng trái phép chất ma tuý nên N, K đều là người cung cấp ma túy cho H và T để họ thực hiện việc sử dụng trái phép chất ma túy. Hành vi cung cấp ma túy cho người khác sử dụng là một trong các hành vi “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy”.

Đối với H là chủ nhà, mặc dù không bàn bạc cụ thể về số tiền mua ma tuý, nhưng biết rõ việc N, K mua ma tuý về nhà mình để sử dụng, mặt khác T về thì đã chủ động nói hết giấy bạc (dụng cụ để sử dụng ma tuý); thấy H nói vậy nên T đi mua giấy bạc. Do vậy, cần xem xét xử lý H về tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý” với vai trò đồng phạm với N và K mới đúng với tính chất hành vi phạm tội mà không xử lý về tội “Chứa chấp sử dụng trái phép chất ma tuý”.

Đây là vụ án có nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định hành vi và xác định tội danh. Tác giả đưa ra để cùng trao đổi.

Nguyễn Trí Dũng- Phòng 1, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,806,283
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.23.102.79

    Thư viện ảnh