.

Thứ hai, 22/07/2024 -20:32 PM

Phản hồi bài viết: “Xác định tình tiết tăng nặng của Nguyễn Xuân A?”

 | 

Sau khi tác giả Nguyễn Thị Thùy- VKSND huyện Việt Yên có bài viết “Xác định tình tiết tặng nặng của Nguyễn Xuân A?” đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 10/02/2022. Ban biên tập nhận được 03 ý kiến phản hồi như sau:

>>> Xác định tình tiết tăng nặng của Nguyễn Xuân A?

Tác giả Phạm Thành Quý- Phòng 7 VKSND tỉnh Bắc Giang có quan điểm Nguyễn Xuân A không phải chịu tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” (theo quan điểm thứ hai), với lý do: A đã bị truy tố, xét xử về tình tiết định khung “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” quy định tại điểm b khoản 2 các Điều 173, 174 BLHS và nội dung hướng dẫn tại mục 5 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/05/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đến nay đã hết hiệu lực thi hành theo Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 08/10/2021 của Tòa án nhân dân tối cao. Mặt khác, đến thời điểm hiện tại chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc một người đã bị truy tố, xét xử theo tình tiết “Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” thì có bị áp dụng tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự là “Phạm tội 02 lần trở lên” hay không, cho nên theo Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về việc thi hành BLHS năm 2015 thì cần áp dụng có lợi cho người phạm tội.

Các tác giả Hà Thị Hải - Phòng 9, Nguyễn Bá Tuân- Phòng 2 VKSND tỉnh đều có quan điểm Nguyễn Xuân A ngoài việc phải chịu tình tiết định khung tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” ở điểm b khoản 2 các Điều 173, 174 BLHS, thì A vẫn phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS (theo như quan điểm thứ nhất mà tác giả Thùy nêu), với lý do:

Theo tác giả Hải: Ngoài việc bị áp dụng hình phạt tương ứng với giá trị tài sản chiếm đoạt và phải chịu trách nhiệm hình sự về “tính chất chuyên nghiệp” thì Nguyễn Văn A vẫn phải chịu áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 BLHS, bởi vì tình tiết tăng nặng này là căn cứ vào nhân thân và thái độ chấp hành pháp luật của người phạm tội; đồng thời, theo tác giả trường hợp vụ án này nên nghiên cứu nội dung giải đáp tại tiểu mục 4 Mục I Công văn số 64/TANDTC-PC ngày 03/4/2019 của Tòa án nhân dân tối cao để vận dụng pháp luật chính xác, đảm bảo được tính công bằng và nghiêm minh của pháp luật.

Theo tác giả Tuân: Thứ nhất, “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” đã được hướng dẫn áp dụng tại Nghị quyết số 01/2006 của HĐTP TAND tối cao, tuy nghị quyết này đến nay đã hết hiệu lực thi hành theo Quyết định số 355/QĐ-TANDTC ngày 08/10/2021, song đối chiếu giữa Bộ luật Hình sự 2015 với Bộ luật Hình sự năm 1999 thì các tình tiết tăng nặng “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp”, “phạm tội 02 lần trở lên” giữa hai Bộ luật không thay đổi về bản chất. Thứ hai,  căn cứ áp dụng hai tình tiết tăng nặng này là khác nhau; theo đó, chỉ áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” khi có đầy đủ các điều kiện: Cố ý phạm tội từ 05 lần trở lên về cùng một tội phạm(không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chưa được xóa án tích); người phạm tội đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính. Còn tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” chỉ cần thực hiện từ 02 hành vi phạm tội trở lên cùng loại tội, các hành vi phạm tội đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong cùng một lần. Mặt khác, nếu áp dụng tình tiết “phạm tội có tính chất chuyên nghiệp” mà bỏ qua, không áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” là chưa đánh giá hết tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, không đảm bảo sự công bằng trong những trường hợp xem xét điều kiện cho người phạm tội hưởng án treo theo quy định./.

Ban biên tập

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,517,600
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.133.130.70

    Thư viện ảnh