Nguyễn Xuân A là người không nghề nghiệp. Do cần tiền để sinh sống nên trong khoảng thời gian từ ngày 27/12/2020 đến ngày 18/01/2021, A đã dùng thủ đoạn đi xe mô tô đến các Công ty trên địa bàn huyện Y để gửi xe cho bảo vệ, lấy vé xe sau đó dùng vé xe này để lấy một chiếc xe mô tô khác; dùng vé xe đã nhặt được trước đó để lấy một chiếc xe mô tô trong nhà xe của các Công ty trên địa bàn huyện Y hoặc lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu trong vệc quản lý xe mô tô. Bằng thủ đoạn trên, A đã thực hiện 06 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản và 08 vụ trộm cắp tài sản là xe mô tô.
Viện kiểm sát đã truy tố A về tội “Trộm cắp tài sản” theo điểm b, c khoản 2 Điều 173 BLHS và tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm b, c khoản 2 Điều 174 BLHS. Đối với A thì còn có quan điểm khác nhau về xác định tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Quan điểm thứ nhất: A phạm tội nhiều lần nên cần phải chịu tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Quan điểm thứ hai: A đã bị áp dụng tình tiết phạm tội “có tính chất chuyên nghiệp” là tình tiết định khung hình phạt quy định tại điểm b khoản 2 Điều 173; điểm b khoản 2 Điều 174 Bộ luật hình sự. Do vậy không bị áp dụng tình tiết tăng nặng phạm tội nhiều lần quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.
Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Thùy- VKSND huyện Việt Yên