Niêm yết công khai văn bản tố tụng dân sự được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp các văn bản tố tụng cho cá nhân, tổ chức. Thời hạn niêm yết là 15 ngày kể từ ngày niêm yết, được quy định tại khoản 1, 3 Điều 179 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Quá trình giải quyết việc dân sự “Yêu cầu tuyên bố một người mất tích”, hoặc “Yêu cầu tuyên bố một người là đã chết”, khi ra các văn bản tố tụng thì Tòa án phải cấp, tống đạt, thông báo cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, là người “bị yêu cầu” (là người đang vắng mặt tại nơi cư trú), khi không thực hiện được việc tống đạt trực tiếp thì sẽ phải tiến hành niêm yết công khai theo quy định. Trong thực tế giải quyết các việc dân sự nêu trên, sẽ gặp phải một số bất cập, vướng mắc sau:
Khoản 1 Điều 180 của Bộ luật tố tụng dân sự quy định: “Việc thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng được thực hiện khi pháp luật có quy định hoặc có căn cứ xác định là việc niêm yết công khai không bảo đảm cho người được cấp, tống đạt, thông báo nhận được thông tin về văn bản cần được cấp, tống đạt, thông báo”.
Tại khoản 4 Điều 388 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn thông báo quy định tại khoản 2 Điều này thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu”và tại khoản 4 Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự quy định: “4. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày hết thời hạn thông báo thì Tòa án phải mở phiên họp xét đơn yêu cầu”.
Hiện nay vẫn có 02 quan điểm liên quan đến việc thực hiện quy định cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người bị yêu cầu trong việc dân sự:
- Quan điểm thứ nhất: Chỉ cần tống đạt cho người yêu cầu và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan khác trong việc dân sự, không cần tống đạt cho người bị yêu cầu vì đã thực hiện thông báo tìm kiếm đối với người vắng mặt nơi cư trú đúng quy định. Do đó, khi kết thúc thời hạn thông báo theo quy định thì Tòa án ra Quyết định mở phiên họp luôn.
- Quan điểm thứ hai: Tòa án ra Quyết định mở phiên họp, tống đạt cho các đương sự gồm có người yêu cầu, người bị yêu cầu và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên vẫn phải thực hiện việc niêm yết văn bản tố tụng này. Cũng tại mục 6 phần IV công văn số 163/TANDTC-PC ngày 10/9/2024 của Tòa án nhân dân Tối cao giải đáp một số vướng mắc trong xét xử đã hướng dẫn rõ đối với việc chuẩn bị xét đơn yêu cầu tuyên bố một người mất tích khi “người bị yêu cầu không thể nhận văn bản thông qua việc tống đạt trực tiếp nên Tòa án phải tiến hành niêm yết quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự và các văn bản tố tụng khác đối với người bị yêu cầu. Theo quy định tại khoản 3 Điều 179 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng là 15 ngày, kể từ ngày niêm yết.”
Cá nhân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Thực tế giải quyết các yêu cầu nêu trên thì Tòa án vẫn thực hiện việc niêm yết công khai Quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự nêu trên vì Quyết định này phải cấp, tống đạt, thông báo cho đương sự. Nhưng nếu thực hiện đúng thời hạn niêm yết công khai là 15 ngày theo quy định tại Điều 179 thì sẽ vi phạm thời hạn mở phiên họp theo quy định tại khoản 4 Điều 388, khoản 4 Điều 392 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Đây là những vướng mắc, bất cập giữa các quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Thị Quỳnh Mai– VKSND thị xã Việt Yên