Sau khi tác giả Lương Văn Tuấn có bài viết “Xác định tội danh đối với Nguyễn Văn Q” đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang ngày 31/12/2021, Ban biên tập nhận được các ý kiến trao đổi như sau.
Tác giả Hà Thị Hiên - VKSND huyện Lạng Giang đồng ý với quan điểm thứ ba mà tác giả đưa ra, tức là Q phạm tội công nhiên chiếm đoạt tài sản, bởi lẽ:
Công nhiên chiếm đoạt tài sản là hành vi công khai lấy tài sản trước sự chứng kiến của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào nhằm uy hiếp tinh thần của người quản lý tài sản. Thông thường người phạm tội lợi dụng sự vướng mắc của người quản lý tài sản để lấy tài sản trước mắt họ mà không làm gì được. Tính chất công khai, trắng trợn của hành vi công nhiên chiếm đoạt thể hiện ở chỗ người phạm tội không giấu diếm hành vi phạm tội của mình, trước, trong hoặc ngay sau khi bị mất tài sản người bị hại biết người lấy tài sản của mình (biết mà không thể giữ được).
Trong trường hợp này, Q đã lợi dụng sự sơ hở, vướng mắc của H là đi ra rìa đường, cách vị trí đỗ xe khoảng 4m nghe điện thoại di động để Q lấy xe mô tô của H. Tính chất công khai của hành vi công nhiên chiếm đoạt tài sản thể hiện ở chỗ Q không giấu diếm hành vi phạm tội của mình mà tự ý ngồi lên xe, mở khóa, nổ máy xe rồi điều khiển xe mô tô đi thẳng dưới sự chứng kiến của H. Anh H biết Q đang chiếm đoạt tài sản nhưng không thể kịp thời ngăn cản.
Tác giả Vi Đăng Khoa – VKSND huyện Hiệp Hòa đồng tình với quan điểm thứ 2 bởi lẽ: Hành vi của Q được thực hiện trong khi anh H đang nghe điện thoại cách đó 4m, chiếc mô tô vẫn nằm trong tầm quản lý của anh H về mặt không gian nên H đã có hành vi chiếm đoạt và nhanh chóng tẩu thoát để thoát khỏi sự truy đuổi của người được giao quyền sở hữu là anh H. Do vậy hành vi của Q thỏa mãn cấu thành tội “Cướp giật tài sản”.
Đối với quan điểm thứ 1: Q tuy đã nói dối H nhưng việc nói dối H không nhằm mục đích để H tin tưởng và giao tài sản cho Q. Hành vi gian dối của Q chỉ là điều kiện để thực hiện hành vi phạm tội khác. Do vậy, hành vi của Q không cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Đối với quan điểm thứ 3: Hành vi của Q tuy có yếu tố công khai giống với hành vi cướp giật nhưng khác ở chỗ bị hại là anh H không bị rơi vào các tình trạng khách quan dẫn đến không có đủ điều kiện để ngăn cản (leo cột điện, bị nằm liệt giường…) mà là bị bất ngờ bởi hành vi của Q nên không kịp ngăn cản. Do vậy, hành vi của Q không cấu thành tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”./.
Ban biên tập