Sau khi nghiên cứu bài viết: "Trao đổi việc áp dụng pháp luật để xử lý tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid -19" của tác giả Nguyễn Văn Đông đăng trên Trang tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bắc Giang, tôi có ý kiến trao đổi như sau:
1. Về việc xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự và Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Tác giả có quan điểm hành vi của T trực tiếp gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân do phát sinh chi phí phòng, chống dịch nhưng theo tinh thần của Công văn số 45 để xử lý thì hành vi của T phải "gây lây truyền dịch bệnh Covid 19 cho người khác…” mới bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Về nội dung này, tôi đồng quan điểm với tác giả: Trong cấu thành cơ bản của "Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người" Điều 240 BLHS đã quy định: "Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người…, do vậy chủ thể trong trường hợp hợp này phải bắt buộc phải làm lây bệnh Covid 19.
Đối với quan điểm của tác giả cho rằng Công văn số 45 đã giới hạn về chủ thể của tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, để xử lý về tội này thì chủ thể chỉ là “người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19" trong khi T đã được xác định là người mắc bệnh Covid-19 nên T không thỏa mãn yêu cầu về chủ thể của Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người và đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Công văn 45 theo hướng mở rộng hơn, bao gồm cả “người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid 19 nhưng thực hiện các hành vi nguy hiểm gây thiệt hại…”. Về nội dung này, tôi có quan điểm: Trong cấu thành cơ bản của "Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người" Điều 295 Bộ luật Hình sự đã quy định: Người nào vi phạm quy định về an toàn lao động.. an toàn ở nơi đông người gây thiệt hại cho người khác về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. Điều luật cũng không có điều kiện bắt buộc giới hạn về chủ thể, do vậy hành vi của T đã thỏa mãn quy định tại khoản 1 Điều 295, Công văn 45 cũng không giới hạn chủ thể mà chỉ làm rõ và nhấn mạnh quan điểm xử lý đối với cả "Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19…"
1.2. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Tác giả có quan điểm: Ông S không phải là chủ thể của tội phạm về chức vụ quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự vì theo nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP ngày 30/12/2020 Tòa án nhân dân tối cao thì: “Người có chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 352 của Bộ luật Hình sự là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng”. Tuy ông S thuộc trường hợp “Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng tại Khoản 2 Điều 2 Luật này lại quy định: “Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi”. Theo quy định trên thì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự không được áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước.
Về nội dung này tôi có quan điểm: Theo nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP ngày 30/12/2020 Tòa án nhân dân tối cao thì: “Người có chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 352 của Bộ luật Hình sự là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng” và theo điểm d khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng thì Ông S là "Người có chức vụ quyền hạn", do vậy Ông S thỏa mãn khái niệm chủ thể quy định tại K2 Điều 352 BLHS. Khái niệm về người có chức vụ tại khoản 2 Điều 352 là quy định chung cho Các tội phạm về chức vụ tại Chương XXIII, trong đó Mục 1 là " Các tội phạm tham nhũng", mục 2 là "Các tội phạm khác về chức vụ",Khoản 2 Điều 2 của Luật phòng, chống tham nhũng chỉ quy định về "Các hành vi tham nhũng", hành vi của ông S không phải là hành vi tham nhũng nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của quy định này. Do vậy, tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước.
2. Về xác định hậu quả thiệt hại về tài sản trong các tội phạm cụ thể: Tôi nhất trí quan điểm của tác giả.
Lưu Thị Lệ Phương- Thanh tra, khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Giang