ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:57 AM

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả trong công tác kiểm sát việc giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Tòa án nhân dân

 | 

Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. VKSND ngoài nhiệm vụ giải quyết các khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền của mình còn có chức năng kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cơ quan tư pháp khác, để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp đạt hiệu quả, đúng pháp luật. Qua việc thực hiện các biện pháp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo  trong hoạt động tư pháp tại Tòa án nhân dân 2 cấp (tỉnh, huyện), VKSND 2 cấp đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế của cơ quan Tòa án trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, điển hình là các dạng vi phạm: Tòa án nhân dân không gửi Quyết định giải quyết khiếu nại, Kết luận tố cáo trong hoạt động tư pháp  đến Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp; vi phạm về thời hạn giải quyết;  vi phạm trong áp dụng căn cứ điều luật; vi phạm trong việc không ghi Quyết định giải quyết khiếu nại lần 1 theo quy định làm mất quyền khiếu nại tiếp theo của công dân... Tuy nhiên, một số VKSND cấp huyện chưa kịp thời phát hiện những vi phạm nêu trên của cơ quan Tòa án để kiến nghị khắc phục.

Thông qua hướng dẫn số 4733/VKSTC-V12 ngày 23/11/2021 của VKSND tối cao về công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính; cũng như qua theo dõi và thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại Tòa án nhân dân 2 cấp; tôi đưa ra một số giải pháp để công tác này đạt hiệu quả trong thời gian tới như sau:

Lãnh đạo các đơn vị trong toàn ngành tiếp tục quan tâm và chỉ đạo thực hiện nghiêm túc công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại cơ quan Tòa án; cán bộ, Kiểm sát viên nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Tiếp tục nghiên cứu kỹ các văn bản pháp luật như: Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Thông tư Liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, Thông tư Liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính, Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC- TATC- BCA- BQP- BTC- BNN&PTNT ngày 05/9/2018, Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 về việc ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; Quyết định 546 ngày 3/12/2018 của VKSND tối cao “Quyết định ban hành Quy định về quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo; kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp”. Từ đó cán bộ, Kiểm sát viên tham mưu cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan Tòa án đảm bảo đúng quy định.

Qua công tác tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo; nguồn tin phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng; qua việc thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ về thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của các đơn vị nghiệp vụ cần lưu ý:

- Viện kiểm sát trong quá trình phân loại, thụ lý kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan Tòa án, căn cứ khoản 2 Điều 469 bộ luật tố tụng hình sự, khoản 2 Điều 499 Bộ luật tố tụng dân sự, khoản 2 Điều 327 Luật tố tụng hành chính và các điều luật tương ứng để phân loại quyết định tố tụng nào được giải quyết theo quy định của Chương khiếu nại, tố cáo và loại quyết định tố tụng nào được giải quyết theo Chương tương ứng để xác định chính xác đối tượng, phạm vi công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết trong thời hạn quy định; hoặc Viện kiểm sát có căn cứ xác định Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo không ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời hạn quy định thì Viện kiểm sát căn cứ khoản 1 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2018/TTLT-VKSTC- TATC- BCA- BQP- BTC- BNN&PTNT ngày 05/9/2018 quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo; khoản 1 Điều 34 Thông tư Liên tịch số 02/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND và TAND trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 31 Thông tư Liên tịch số 03/2016/TTLT-VKSNDTC-TANDTC ngày 31/8/2016 quy định việc phối hợp giữa VKSND  và TAND trong việc thi hành một số quy định của Luật tố tụng hành chính (tùy theo lĩnh vực bị khiếu nại, tố cáo để áp dụng quy định của pháp luật tương ứng) để áp dụng biện pháp kiểm sát: Yêu cầu Tòa án ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trường hợp Tòa án không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ yêu cầu của Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát căn cứ khoản 2 Điều 16 Thông tư liên tịch số 02/2018; khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch số 02/2016; khoản 2 Điều 32 Thông tư liên tịch số 03/2016 nêu trên (tùy theo lĩnh vực khiếu nại, tố cáo) để kiến nghị với Tòa án cấp trên.

- Viện kiểm sát nhận được yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền hoặc Viện kiểm sát nhận được đơn khiếu nại, tố cáo về việc Tòa án, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong khi giải quyết hoặc Viện kiểm sát có căn cứ xác định việc Tòa án, người có thẩm quyền vi phạm pháp luật trong khi giải quyết thì Viện kiểm sát căn cứ khoản 2 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2018;  khoản 2 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02/2016; khoản 2 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016 nêu trên để áp dụng biện pháp kiểm sát: Yêu cầu Tòa án kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.

- Viện kiểm sát thực hiện biện pháp kiểm sát: Yêu cầu Tòa án cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo căn cứ khoản 3 Điều 15 Thông tư liên tịch số 02/2018; khoản 3 Điều 34 Thông tư liên tịch số 02/2016; khoản 3 Điều 31 Thông tư liên tịch số 03/2016 nêu trên. Sau khi kết thúc kiểm sát, nếu phát hiện vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát có thẩm quyền ban hành kiến nghị (trường hợp áp dụng nhiều biện pháp kiểm sát đối với một vụ việc thì chỉ kiến nghị sau khi đã áp dụng biện pháp kiểm sát cuối cùng) yêu cầu Tòa án có thẩm quyền khắc phục, sửa chữa kịp thời để bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân và vai trò của Viện kiểm sát về kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện tốt việc phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tư pháp nói chung và cơ quan Tòa án nói riêng trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Ngô Thị Vân Anh, Thanh tra- Khiếu tố VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,810,282
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.14.254.103

    Thư viện ảnh