Ngày 30/3/2020, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC hướng dẫn việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19. Thực tiễn áp dụng Hướng dẫn nêu trên để xử lý các vụ, việc có liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid - 19 phát sinh một số vướng mắc, bất cập cần trao đổi như sau:
1. Về việc xác định tội danh theo quy định của Bộ luật Hình sự
1.1 Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự và Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi cộng cộng theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Ví dụ 1: Ngày 13/5/2021, Trương Văn T là công nhân khu công nghiệp được xác định là bệnh nhân Covid-19 và được đưa đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến. Khoảng 02 giờ ngày 14/5/2021, T trốn khỏi bệnh viện sau đó đi xe khách về quê. Đến 19 giờ ngày 14/5/2021, khi T về gần đến nhà thì bị lực lượng chức năng phát hiện đưa trở lại cách ly, điều trị tại bệnh viện. Quá trình bỏ trốn, T tiếp xúc gần với 35 người (F1). Sau thời gian cách ly theo quy định, 35 trường hợp F1 của T đều không bị lây nhiễm bệnh Covid 19. Tuy nhiên, kết quả xác minh việc T bỏ trốn khỏi bệnh viện làm phát sinh chi phí phòng, chống dịch là 152.000.000 đồng.
Theo ví dụ trên, T là người đã được thông báo mắc bệnh Covid -19, được cách ly điều trị nhưng trốn khỏi bệnh viện; sau khi trốn, T tiếp xúc gần với nhiều người làm nguy cơ lây lan dịch bệnh, hành vi đó trực tiếp gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và cá nhân do phát sinh chi phí phòng, chống dịch. Hành vi của T rõ ràng gây nguy hiểm cho xã hội nhưng khi áp dụng Công văn số 45 để xử lý thì phát sinh vướng mắc. Tại mục 1.1 và 1.2 Công văn số 45 có nêu: Nếu người thực hiện một trong các hành vi “a) Trốn khỏi khu vực bị cách ly, khu vực bị phong tỏa; b) Không tuân thủ quy định cách ly; c) Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; d) Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối” là “người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid 19 đã được thông báo cách ly…gây lây truyền dịch bệnh Covid 19 cho người khác…” thì bị xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Đối với người thực hiện hành vi là “Người chưa bị xác định mắc bệnh Covid - 19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa…gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch” thì bị xử lý về Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi cộng cộng theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Do 35 trường hợp F1 của T không bị lây nhiễm bệnh nên hành vi của T không phạm vào tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người quy định tại Điều 240 Bộ luật Hình sự. Mặt khác, T đã được xác định là mắc bệnh Covid 19 nên không thỏa mãn yêu cầu về chủ thể của Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi công cộng theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự.
Quan điểm của tác giả: Vấn đề vướng mắc là do Công văn số 45 đã giới hạn về chủ thể của tội Vi phạm quy định về an toàn ở nơi công cộng theo quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình sự. Cụ thể, để xử lý về tội này thì chủ thể chỉ gồm “người chưa bị xác định mắc bệnh Covid – 19 nhưng….”. Do vậy, để bảo đảm việc xử lý tội phạm một cách triệt để thì cần sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng hơn, bao gồm cả “người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid 19 nhưng thực hiện các hành vi nguy hiểm gây thiệt hại…” .
1.2. Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự.
Ví dụ 2: Công ty cổ phần MSM có địa chỉ tại xã X; người đại diện theo pháp luật là ông S- Giám đốc; chuyên ngành kinh doanh của công ty là các sản phẩm may mặc xuất khẩu, số lao động sử dụng là 362 người. Ngày 10/6/2021, sau thời gian tạm ngừng hoạt động do tình hình dịch bệnh, Công ty MSM hoạt động trở lại, công nhân trở lại làm việc. Theo quy định của địa phương, trước khi hoạt động trở lại, các doanh nghiệp trên địa bàn phải tổ chức xét nghiệm cho công nhân và sau khi hoạt động thì định kỳ phải tổ chức xét nghiệm sàng lọc để phòng, chống dịch. Công ty MSM có tổ chức xét nghiệm test nhanh đối với toàn bộ công nhân, kết quả đều âm tính với Covid -19. Sau khi hoạt động trở lại, ông S không tổ chức xét nghiệm sàng lọc theo định kỳ cho công nhân. Ngày 15/7/2021, chị H là công nhân công ty có bị ho sốt, đi khám xét nghiệm kết quả dương tính với Covid - 19. Công ty MSM phải ngừng hoạt động, kết quả xét nghiệm xác định thêm 23 người dương tính với Covid 19, 205 người tiếp xúc gần với 24 F0 phải đi cách ly, thiệt hại trực tiếp do phát sinh chi phí phòng chống dịch là 398.000.000 đồng.
Hành vi của ông S không tổ chức xét nghiệm sàng lọc cho công nhân theo quy định đã gây hậu quả nghiêm trọng, làm thiệt hại đến tài sản Nhà nước do phát sinh chi phí phòng chống dịch. Tại mục 1.10 Công văn số 45 hướng dẫn như sau: “Người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nhưng không triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì bị xử lý về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng theo quy định tại Điều 360”.
Tuy nhiên, khi xem xét đến chủ thể của tội phạm quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự- thuộc các tội phạm về chức vụ thì thấy, ông S mặc dù là “Người có trách nhiệm trong phòng chống dịch bệnh” nhưng Công ty MSM là doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước, ông S không phải là chủ thể của tội phạm về chức vụ quy định tại Điều 352 Bộ luật Hình sự. Theo nghị quyết số 03/2020/NQ- HĐTP ngày 30/12/2020 Tòa án nhân dân tối cao thì: “Người có chức vụ quy định tại khoản 2 Điều 352 của Bộ luật Hình sự là những người quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Phòng, chống tham nhũng”. Tuy ông S thuộc trường hợp “Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức” quy định tại điểm d khoản 2 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng nhưng tại Khoản 2 Điều 2 Luật này lại quy định: “Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước thực hiện bao gồm: a) Tham ô tài sản; b) Nhận hối lộ; c) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi”. Có thể hiểu, theo quy định trên thì tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 360 Bộ luật Hình sự không được áp dụng đối với khu vực ngoài Nhà nước.
2. Về xác định hậu quả thiệt hại về tài sản trong các tội phạm cụ thể.
2.1. Về cơ sở xác định thiệt hại
Theo mục 1.2, 1.3 của Công văn số 45 thì yếu tố thỏa mãn về mặt hậu quả của hành vi phạm tội quy định tại Điều 295 Bộ luật Hình là “gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch”. Tuy nhiên, Công văn số 45 không giải thích nội hàm của “chi phí phòng, chống dịch” nên dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Có ý kiến cho rằng chi phí phòng chống dịch được hiểu gồm cả chi phí của Nhà nước, tổ chức, cá nhân nên cần xác định thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên phải là những thiệt hại trực tiếp (như chi phí cho việc xét nghiệm, cách ly, truy vết…) và gián tiếp (như thiệt hại do phải ngừng hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp, mất thu nhập của người lao động…). Theo quan điểm của tác giả, cần hiểu chi phí phát sinh do phòng chống dịch là những thiệt hại trực tiếp của Nhà nước mà nội dung của nó dựa trên quy định tại Khoản 5 Điều 1 Nghị quyết số 16/NQ- CP ngày 08/02/2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng chống dịch Covid 19. Theo đó:
“Người Việt Nam ở trong nước phải áp dụng biện pháp cách ly y tế tập trung theo yêu cầu phòng, chống dịch
a) Trường hợp tự lựa chọn cách ly tại khách sạn, resort phải tự chi trả các chi phí quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.
b) Trường hợp cách ly tại cơ sở y tế, doanh trại quân đội, trường của quân đội, cơ sở khác do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chọn làm nơi cách ly tập trung chỉ phải tự chi trả tiền ăn theo mức 80.000 đồng/người/ngày cho cơ sở cách ly y tế tập trung; còn các khoản chi phí sau đây được ngân sách nhà nước bảo đảm:
- Chi phí đưa đón từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế tập trung;
- Chi phí xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2;
- Chi phí phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế tập trung (nước uống, khăn mặt, khẩu trang, dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng và các vật dụng thiết yếu, các chi phí khác) với tổng chi phí là 40.000 đồng/người/ngày.
Trường hợp người phải cách ly y tế tập trung là người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo theo quy định thì được ngân sách nhà nước hỗ trợ các chi phí quy định tại điểm b khoản này, bao gồm cả tiền ăn 80.000 đồng/người/ngày”.
Những khoản chi phí nêu trên (không bao gồm tiền ăn do người bị cách ly chi trả) là cơ sở để xác định thiệt hại.
2.2. Về cách thức xác định thiệt hại
Công văn số 45 không nêu việc xác định thiệt hại dựa trên văn bản, tài liệu nào, kết luận giám định, định giá tài sản hay chỉ gồm các những tài liệu chứng cứ mà cơ quan tiến hành tố tụng thu thập được dựa trên quy định của Chính phủ, địa phương hay các cơ sở khám chữa bệnh, khu cách ly liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành không quy định việc xác định thiệt hại nêu trên thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định. Tuy nhiên nếu chỉ dựa trên những tài liệu, chứng cứ cơ quan tiến hành thu thập được (như hóa đơn, bảng kê, phiếu thanh toán…) sẽ không đảm bảo tính khách quan, dễ phát sinh những khiếu nại của người tham gia tố tụng. Vì vậy, tác giả cho rằng mặc dù luật không quy định bắt buộc nhưng cần thiết phải trưng cầu cơ quan giám định chuyên môn để giám định thiệt hại theo quy định của Luật giám định tư pháp sửa đổi bổ sung năm 2020.
Rất mong nhận được sự trao đổi của các đồng nghiệp./.
Nguyễn Văn Đông- VKSND thành phố Bắc Giang