.

Thứ bảy, 20/04/2024 -12:18 PM

Vướng mắc khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

 | 

Luật xử lý vi phạm hành chính quy định 02 đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, đó là: Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định. Tuy nhiên, thực tế áp dụng còn có vướng mắc cần giải đáp. 

Hiện nay, tình trạng người lao động tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang sử dụng và nghiện ma túy tăng nhanh; hầu hết những đối tượng này đều có hộ khẩu thường trú tại các tỉnh phía Bắc đến Bắc Giang lao động, thuê trọ và không đăng ký tạm trú. Do đó, khi bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy thì việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với họ gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc xác định thế nào là “không có nơi cư trú ổn định”. Cụ thể là:

Trong tháng 4, 5/2021, Công an xã Đ, huyện Y, tỉnh B đã 03 lần bắt quả tang Hà Văn S có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy. Kết quả xác minh nhân thân của S như sau:

- Xác minh tại nơi S đăng ký hộ khẩu thường trú là xã H, huyện M, tỉnh Y xác định S chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Công an xã H cung cấp và xác nhận S đã bỏ đi khỏi địa phương cách ngày xác minh khoảng 06 đến 07 tháng, không thông báo với chính quyền; ở địa phương S không có nghề nghiệp ổn định; hiện tại bố, mẹ, vợ, con đối tượng S vẫn sinh sống tại nơi đối tượng đăng ký thường trú.

- Tiến hành làm việc, xác minh đối tượng S tại xã Đ, huyện Y, tỉnh B được công an xã Đ cung cấp và xác nhận S không đăng ký tạm trú tại địa phương; là đối tượng bỏ nhà đi lang thang, không nghề nghiệp, không nơi ở; đối tượng bị lập biên bản vi phạm hành chính về hành vi sử dụng trái phép chất ma túy (lần đầu); bản thân đối tượng khai nhận là người nghiện ma tuý (loại ma tuý đá).

Từ kết quả xác minh nêu trên, các cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ và đề nghị xem xét, áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc với Hà Văn S vì xác định là đối tượng lang thang, không có nơi cư trú ổn định. Hiện có hai quan điểm giải quyết vụ việc trên như sau:

Quan điểm thứ nhất: Vì đối tượng không nghề nghiệp, không nơi ở, không đăng ký tạm trú nên xác định đối tượng sống lang thang, không có nơi cư trú ổn định, đủ căn cứ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Quan điểm thứ hai: Đối tượng có nơi thường trú, chỉ vắng mặt tại nơi thường trú 06 đến 07 tháng, không thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định. Chưa đủ căn cứ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, căn cứ các quy định của Luật cư trú như sau:

“Điều 11. Nơi cư trú của công dân 

1. Nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú, nơi tạm trú.

2. Trường hợp không xác định được nơi thường trú, nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật này.”

“Điều 19. Nơi cư trú của người không có nơi thường trú, nơi tạm trú

1. Nơi cư trú của người không có cả nơi thường trú và nơi tạm trú do không đủ điều kiện đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú là nơi ở hiện tại của người đó; trường hợp không có địa điểm chỗ ở cụ thể thì nơi ở hiện tại được xác định là đơn vị hành chính cấp xã nơi người đó đang thực tế sinh sống. Người không có nơi thường trú, nơi tạm trú phải khai báo thông tin về cư trú với cơ quan đăng ký cư trú tại nơi ở hiện tại.”

“Điều 24. Xóa đăng ký thường trú

...d) Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên...”.

Cũng theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 56/2016/NĐ-CP ngày  29/6/2016 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 111/2013/NĐ-CP ngày 30/9/2013 của Chính phủ quy định chế độ áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn: “Không có nơi cư trú ổn định là trường hợp không xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm và người đó thường xuyên đi lang thang, không một nơi cố định hoặc trường hợp xác định được nơi đăng ký thường trú hoặc nơi đăng ký tạm trú của người vi phạm nhưng người đó thường xuyên đi lang thang, không ở một nơi cố định”. Trong trường hợp này, đối tượng được xác định thường xuyên sinh sống tại nơi thường trú mặc dù đối tượng di chuyển đến địa phương khác trong thời gian ngắn.

Như vậy theo các quy định nêu trên thì đối tượng có nơi thường trú, chỉ vắng mặt tại nơi thường trú trong khoảng thời gian xác định, người thân và gia đình đối tượng vẫn sinh sống tại nơi thường trú nên không thuộc trường hợp không có nơi cư trú ổn định. Chưa đủ căn cứ áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. 

Quan điểm cá nhân, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được quan điểm chia sẻ của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Trần Văn Trí- VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,701,432
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.137.164.241

    Thư viện ảnh