Hồi 16 giờ ngày 21/01/2021, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh B bắt quả tang Nguyễn Hoàng T đang có hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy; thu giữ 01 túi nilon màu đỏ bên trong đựng ma túy tổng hợp. Vật chứng được tổ công tác lập biên bản niêm phong tại chỗ.
Về nguồn gốc số ma túy: T khai mua của một người đàn ông không quen biết rồi đem về trộn với phôi là tinh thể màu trắng không phải là ma túy (do T nhờ bạn tên là K mua hộ từ trước) với mục đích để T sử dụng.
Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh B kết luận số vật chứng thu giữ là ma túy, có tổng khối lượng 197,038 gam, loại Ketamine."
Ngày 29/01/2021, Cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định bổ sung giám định hàm lượng chất ma túy Ketaminne trong mẫu vật thu giữ.
Kết luận giám định của Viện khoa học hình sự Bộ Công an kết luận: Hàm lượng Ketamine trung bình trong mẫu gửi giám định là 20,5%.
Về quyết định trưng cầu giám định bổ sung của Cơ quan điều tra và sử dụng kết quả giám định để làm căn cứ xử lý đối với bị can, hiện có quan điểm khác nhau, cụ thể như sau:
Quan điểm thứ nhất: Bị can T khai mua ma túy về và trộn với phôi là tinh thể màu trắng không phải là ma túy với mục đích để sử dụng. Căn cứ tại mục 5, phần I Công văn 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nêu: "…Đối với trường hợp có căn cứ xác định đối tượng đã trộn ma túy với chất rắn khác để bán và qua giám định xác định chất thu giữ là chất ma túy nhưng hàm lượng ma túy thấp thì cần căn cứ và kết luận giám định về hàm lượng để xác định khối lượng chất ma túy làm cơ sở để xử lý hình sự". Do vậy, việc Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định bổ sung để xác định hàm lượng chất ma túy là có căn cứ và cần thiết. Khi giải quyết vụ án, cần căn cứ vào kết luận giám định bổ sung về hàm lượng chất ma túy làm cơ sở xác định khối lượng chất ma túy bị can phải chịu trách nhiệm.
Quan điểm thứ hai: Cơ quan điều tra quyết định trưng cầu giám định bổ sung để xác định hàm lượng chất ma túy trong trường hợp này là không có căn cứ theo quy định tại Điều 210 BLTTHS. Bởi những lẽ sau:
- Tại điểm i, mục 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 quy định: "Trường hợp chất thu giữ được nghi là chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện hoặc thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần quy định tại các Điều 248, 249, 250, 251 và 252 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì phải xác định hàm lượng chất ma túy làm cơ sở để xác định khối lượng hoặc thể tích chất ma túy thu giữ được. Đối với các trường hợp khác thì thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13".
- Tại mục 2, Điều 3 Nghị định số 19/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định về việc tính tổng khối lượng hoặc thể tích chất ma túy tại một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015:"Khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy theo quy định của Nghị định này là khối lượng hoặc thể tích các chất ma túy thu giữ hoặc chứng minh được trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Việc xác định khối lượng thuốc phiện trong xái thuốc phiện, thuốc phiện pha loãng, thuốc phiện pha trộn được tính theo thuốc phiện chứa 10% morphine làm căn cứ quy đổi".
Loại ma túy thu giữ trong vụ án nêu trên không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định hàm lượng để xác định trọng lượng chất ma túy (không phải chất ma túy ở thể rắn đã được hòa thành dung dịch, chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng, xái thuốc phiện...).
Cơ quan điều tra căn cứ vào hướng dẫn tại công văn số 89/TANDTC-PC ngày 30/6/2020 của Tòa án nhân dân tối cao để trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy là không có căn cứ. Vì Công văn số 89 của Tòa án nhân dân tối cao là văn bản thông báo kết quả giải đáp một số vướng mắc trong xét xử đối với các trường hợp cụ thể. Trong vụ án này, bị can Nguyễn Hoàng T khai tàng trữ chất ma túy để sử dụng (không phải để bán); kết quả giám định không đề cập, đánh giá về hàm lượng chất ma túy.
Quan điểm của tác giả: Đồng ý với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được các ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.
Ngô Tiến Thụy- Phòng 1, VKSND tỉnh Bắc Giang