ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -09:48 AM

Hành vi của Nguyễn Văn H bị xử lý về tội gì?

 | 

Nguyễn Văn H là Kế toán trưởng Công ty TNHH có vốn đầu tư nước ngoài, có nhiệm vụ tổng hợp hóa đơn, lập bảng thanh toán; sau khi được Giám đốc tài chính cung cấp mã xác thực giao dịch OTP, H thực hiện thanh toán cho các nhà cung cấp hàng hóa (theo hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng) qua hình thức chuyển tiền qua hệ thống Internet Banking của công ty. Do cần tiền để chi tiêu, H đã liên hệ với một số đối tượng để mua hóa đơn khống (không có hàng hóa đi kèm) để hoàn thiện các chứng từ, thủ tục sau đó thực hiện chuyển tiền thanh toán từ tài khoản của công ty cho các công ty khác hoặc hộ kinh doanh theo hóa đơn để nhờ các đối tượng này liên hệ với đơn vị cung cấp hóa đơn nhận lại số tiền Công ty đã chuyển tiền thanh toán, sau khi trừ % hóa đơn, số tiền công ty đã thanh toán còn lại sẽ được chuyển lại vào tài khoản của H; tổng số tiền H đã chiếm đoạt được thông qua hình thức này là 30 tỷ đồng; trong đó năm 2016 và 2017 chiếm đoạt 02 tỷ đồng; từ ngày 01/01/2018 đến khi bị phát hiện (năm 2020) là 28 tỷ đồng.

Hành vi của H xảy ra từ năm 2016 đến năm 2020. Như vậy, hành vi phạm tội của H diễn ra ở cả hai thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực thi hành. Cụ thể:

Đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 02 tỷ đồng xảy ra năm 2016 và 2017: Công ty mà H làm việc không phải là công ty có vốn nhà nước nên H không phải là người có chức vụ quyền hạn theo quy định tại Điều 277 Bộ luật hình sự năm 1999; theo đó hành vi của H đã cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999, với mức hình phạt từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân.

Đối với hành vi chiếm đoạt số tiền 28 tỷ đồng xảy ra từ ngày 01/01/2018 đến năm 2020: Thời điểm Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, theo quy định tại Điều 352 Bộ luật này thì H là người có chức vụ quyền hạn, thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật phòng chống tham nhũng; theo đó hành vi của H đã cấu thành tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, với mức hình phạt hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Hiện nay, còn có nhiều quan điểm xử lý hình sự đối với hành vi phạm tội của H như sau:

Quan điểm thứ nhất:Hành vi của H xảy ra ở hai thời điểm Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật; các hành vi đã cấu thành tội danh độc lập; Do đó, hành vi chiếm đoạt 02 tỷ đồng xảy ra vào năm 2016, 2017 thì vẫn phải xử lý H về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 140 Bộ luật hình sự năm 1999; hành vi chiếm đoạt số tiền 28 tỷ đồng xảy ra từ ngày 01/01/2018 đến năm 2020 thì xử lý hình sự đối với H về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015.

Quan điểm thứ hai:Hành vi của H diễn ra liên tục từ năm 2016 đến khi bị phát hiện xử lý (năm 2020), để có lợi cho người phạm tội, cần áp dụng Nghị quyết 41/2017/QH14, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP, ngày 30/12/2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao để xử lý hình sự đối với H về tội “Tham ô tài sản” quy định tại điểm a khoản 4 Điều 353 Bộ luật hình sự năm 2015; Mặt khác, nếu xử lý hình sự đối với H về 02 tội danh khác nhau theo hai Bộ luật hình sự cho một hành vi phạm tội thì gây bất lợi cho H khi xem xét, quyết định hình phạt.

Bản thân tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Rất mong nhận được quan điểm chia sẻ của các bạn đồng nghiệp và bạn đọc./.

Nguyễn Thị Huệ Anh-Phòng 3 - VKSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,810,172
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.226.28.97

    Thư viện ảnh