.

Thứ bảy, 27/04/2024 -11:07 AM

Một số kinh nghiệm giải quyết các vụ án về tội "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy"

 | 

Thời gian vừa qua, một số VKSND cấp huyện phản ánh về khó khăn, vướng mắc khi xử lý hành vi "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy" theo Điều 255 BLHS. Chúng tôi chia sẻ một số kinh nghiệm như sau:

Về căn cứ pháp luật: Từ khi BLHS năm 2015 có hiệu lực thi hành đến nay, Liên ngành trung ương chưa có văn bản mới hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về tội phạm ma túy. Hiện tại chỉ có Thông tư liên tịch số 17 ngày 24/12/2007 và Thông tư liên tịch số 08 ngày 14/11/2015 của liên ngành Trung ương sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 17/2007 nêu trên; cả 2 Thông tư đều hướng dẫn thực hiện các quy định về tội phạm ma túy theo BLHS năm 1999. Ngày 30/6/2020, Tòa án nhân dân tối cao ban hành Công văn 89-Thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử; VKSNDTC cũng ban hành văn bản Giải đáp về những khó khăn vướng mắc công tác THQCT và kiểm sát xét xử hình sự năm 2020, trong đó có một số nội dung hướng dẫn liên quan đến tội phạm ma túy.  Việc xác định các yếu tố cấu thành tội “Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” hiện nay chủ yếu vẫn phải tham khảo, vận dụng tinh thần của Thông tư liên tịch số 17/2007 và 02 văn bản giải đáp những khó khăn vướng mắc nêu trên.

Theo tài liệu giải đáp về những khó khăn vướng mắc trong công tác THQCT và KSXX hình sự năm 2020 của VKSNDTC và công văn số 89 ngày 30/6/2020 của TANDTC thì dấu hiệu đặc trưng cơ bản của tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là những hành vi chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sử dụng trái phép chất ma túy như bố trí, sắp xếp con người, phương tiện, dụng cụ hoặc cung cấp chất ma túy để người khác sử dụng.

Qua thực tiễn giải quyết các vụ án về tội phạm này trong thời gian qua thấy hành vi phạm tội của các đối tượng thường được thực hiện bởi một nhóm thanh niên, thuê nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke... để sử dụng trái phép chất ma túy. Ngoài nhóm người quen biết nhau từ trước rủ nhau cùng đi thuê địa điểm để sử dụng ma túy thì còn có một số nhân viên nữ phục vụ, nhóm người này được khách thuê đi hát, cùng sử dụng ma túy và được trả công theo giờ hoặc được chủ quán gọi đến để phục vụ khách. Khi lực lượng Công an đến kiểm tra, có trường hợp thu được ma túy và các dụng cụ sử dụng còn bám dính ma túy để giám định, có trường hợp không thu giữ được ma túy và các dụng cụ dùng vào việc sử dụng ma túy hoặc chỉ thu được dụng cụ sử dụng ma túy nhưng không còn bám dính ma túy để giám định do các đối tượng đã sử dụng hết ma túy hoặc đã tẩu tán. Tiến hành xét nghiệm nhanh chất ma túy đối với các đối tượng bằng phương pháp sử dụng que test nước tiểu, kết quả đều dương tính với chất ma túy hoặc phần lớn các đối tượng dương tính với ma túy.

Do vậy trong quá trình kiểm sát, tùy từng trường hợp cụ thể mà Kiểm sát viên được phân công đề ra yêu cầu điều tra, xác minh hoặc trực tiếp phối hợp với Cơ quan điều tra củng cố chứng cứ cho phù hợp, đảm bảo các nguồn chứng cứ phải được thu thập đầy đủ, kịp thời, khách quan và đúng trình tự pháp luật, phục vụ cho việc giải quyết vụ án được chính xác tránh việc thay đổi lời khai, phản cung sau này, làm căn cứ cho việc xử lý các đối được đảm bảo đúng người, đúng tội, không bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Quá trình kiểm sát cần chú trọng làm rõ vai trò, hành vi của 03  nhóm đối tượng chính sau:

- Đối với nhóm đối tượng rủ nhau đi sử dụng trái phép chất ma túy:

Trong thực tiễn giải quyết các vụ án về tội này thấy nhóm đối tượng thường quen biết nhau từ trước, có hành vi bàn bạc, rủ rê cùng sử dụng trái phép chất ma túy (tổ chức sinh nhật; sau cuộc rượu, chiêu đãi bạn bè...). Do vậy, cần tập trung làm rõ về mối quan hệ và tình trạng nghiện ma túy của họ (đã đi cai nghiện tập trung chưa; có tên trong danh sách đối tượng nghiện do địa phương quản lý không; gia đình có biết các đối tượng sử dụng ma túy không...). Theo hướng dẫn tại điểm a mục 6.2 phần II Thông tư liên tịch số 17/2007 quy định: “Người nghiện ma túy có chất ma túy (không phân biệt nguồn gốc ma túy do đâu mà có) cho người nghiện ma túy khác chất ma túy để cùng sử dụng trái phép thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy…” nên việc xác định tình trạng nghiện là bắt buộc trong việc xử lý các đối tượng về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Đây là một trong những nội dung quan trọng làm căn cứ xác định hành vi của các đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy có phải tội phạm hay không để loại trừ, có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật.

Phải làm rõ người khởi xướng, rủ rê lôi kéo người khác; việc phân công chuẩn bị ma túy (cần làm rõ nguồn ma túy có từ đâu, có từ trước hay đi mua, nguồn tiền để mua và người đi mua...); liên hệ tìm địa điểm để sử dụng ma túy bằng cách thuê phòng nghỉ, phòng hát...; tìm người cùngsử dụng ma túy như gọi thêm bạn bè hoặc thuê nhân viên phục vụ (có thể trực tiếp hoặc qua trung gian). Trên cơ sở đó, mới xem xét việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với từng đối tượng cụ thể.

- Đối với hành vi chuẩn bị, bố trí địa điểm như chủ quán, người quản lý nhà nghỉ, khách sạn, quán karaoke…cho các đối tượng khác sử dụng ma túy:

Cần làm rõ ý thức chủ quan của những đối tượng này nhằm xác định có đồng phạm với nhóm khách thuê phòng để tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không. Để làm rõ được ý thức chủ quan của nhóm người này cần tập trung đấu tranh xác định ngoài việc cho thuê phòng thì họ có thực hiện các hành vi cung cấp các dụng cụ như đĩa, thẻ nhựa cứng, bật lửa..., đặc biệt là có liên quan đến việc cung cấp ma túy hoặc liên hệ người đem ma túy đến không; có biết để khách thuê phòng để sử dụng ma túy không. Thực tế cho thấy, việc chứng minh ý thức chủ quan của các đối tượng trong những trường hợp buộc phải biết các đối tượng khác sử dụng trái phép chất ma túy là rất khó khăn. Do vậy, ngay sau khi tiếp nhận nguồn tin, Kiểm sát viên phải chú trọng xem xét các dấu hiệu hành vi, làm rõ ý thức chủ quan của nhóm đối tượng này để xử lý cho phù hợp.

- Đối với những người được rủ đi tham gia sử dụng ma túy, không có các hành vi nêu ở phần trên (chuẩn bị địa điểm, dụng cụ, ma túy...) thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trong nhóm người được rủ đi và tham gia sử dụng ma túy còn có các nữ nhân viên phục vụ. Nhóm đối tượng này, khi được khách thuê đi phục vụ như hát cùng, sử dụng ma túy cùng để được trả công theo giờ hoặc khi được chủ gọi đến phục vụ khách, họ chứng kiến khách tự lấy hoặc được sai đi lấy các dụng cụ để sử dụng ma túy (như đĩa sứ, bật lửa, thẻ nhựa cứng…). Quá trình sử dụng ma túy, nhóm nhân viên thường có hành vi giúp sức bằng cách lau đĩa, hơ lửa nóng cho khô đĩa, đảo, xào, kẻ ma túy, bê đĩa ma túy đi mời người khác sử dụng… Hành vi khách quan của các đối tượng này đều có dấu hiệu đồng phạm với vai trò là người giúp sức cho việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy. Tuy nhiên, các đối tượng này không được bàn bạc từ đầu, việc thực hiện hành vi giúp sức là được thuê để hưởng công nên khi giải quyết vụ án, tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể để xử lý cho phù hợp. Nếu tính chất, vai trò và mức độ thực hiện hành vi phạm tội của nhóm đối tượng này không đáng kể thì có thể áp dụng khoản 2 Điều 8 Bộ luật Hình sự (Những hành vi tuy có dấu hiệu tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng biện pháp khác).

Trên đây là một số kinh nghiệm về công tác kiểm sát việc giải quyết hành vi "Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy". Rất mong nhận được các ý kiến phản hồi từ các đồng nghiệp./.

Ngô Tiến Thụy- Phòng 1, Viện KSND tỉnh Bắc Giang

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,773,427
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.116.51.117

    Thư viện ảnh