Nội dung vụ việc: Nguyễn Văn L, sinh năm 1965 có tiền sử bệnh thần kinh là người hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi. Khoảng 11 giờ ngày 01/3/2021, L đi bộ đến xưởng sản xuất gỗ bóc của anh H chơi. L đi vào trong kho xưởng và nhặt được một chiếc bật lửa còn một ít ga. L bật thử thì thấy bật lửa cháy được nên đút vào túi quần. L đi tiếp vài bước thì nhìn thấy một chiếc túi nilon ở dưới nền xưởng. L cúi xuống nhặt túi nilon rồi dùng bật lửa vừa nhặt được đốt túi nilon và vứt tại chỗ rồi bỏ ra ngoài xưởng đi về. Chiếc túi nilon cháy bén vào các mảnh ván gỗ ép rồi cháy lan ra cả xưởng gỗ bóc, gây thiệt hại 380.000.000 đồng. Giữa L và anh H không có quan hệ họ hàng, không mâu thuẫn gì. L khai không có mục đích hủy hoại xưởng gỗ của anh K.
Hiện nay có 02 quan điểm về việc khởi tố đối với L:
Quan điểm thứ nhất: L phạm tội “Vô ý gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản” quy định tại khoản 1 Điều 180 Bộ luật hình sự vì: Về ý thức chủ quan của L không có mục đích đốt xưởng gỗ của anh H. Khi L vào trong xưởng gỗ bóc và vô tình nhặt được chiếc bật lửa, L thử bật lửa có cháy không, L đã châm lửa vào túi nilon rồi bỏ ra ngoài, L không nghĩ là sẽ dẫn đến cháy xưởng gỗ bóc của anh H; không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước.
Quan điểm thứ hai: L phạm tội “Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy” với lập luận: Xưởng gỗ bóc của anh H có nội quy và có đặt biển báo “không phận sự miễn vào”. Hành vi của L đã xâm phạm vào các qui định của Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, cụ thể là L không thực hiện quy định của xưởng gỗ về phòng cháy, chữa cháy. L đã dùng bật lửa đốt túi nilon trong xưởng gỗ, nơi có nhiều mảnh ván gỗ ép rất dễ bén lửa gây cháy. Hành vi của L là vô ý nhưng đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của anh H. Do vậy L phạm tội quy định tại điểm d khoản 1 Điều 313 Bộ luật hình sự.
Cá nhân tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp./.
Phạm Thị Hồng- VKSND huyện Yên Thế