ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 22/11/2024 -11:05 AM

Vướng mắc trong việc tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm

 | 

Tại Điều 147 BLTTHS 2015 quy định:

“1. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải kiểm tra, xác minh và ra một trong các quyết định:

a, Quyết định khởi tố vụ án hình sự;

b, Quyết định không khởi tố vụ án hình sự;

c, Quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

2. Trường hợp vụ việc bị tố giác, tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố có nhiều tình tiết phức tạp hoặc phải kiểm tra, xác minh tại nhiều địa điểm thì thời hạn giải quyết tố giác, tin báo, kiến nghị khởi tố có thể kéo dài nhưng không quá 02 tháng. Trường hợp chưa thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh trong thời hạn quy định tại khoản này thì Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền có thể gia hạn một lần nhưng không quá 02 tháng.

Chậm nhất là 05 ngày trước khi hết thời hạn kiểm tra, xác minh quy định tại khoản này, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải có văn bản đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp hoặc Viện kiểm sát có thẩm quyền gia hạn thời hạn kiểm tra, xác minh”.

Tại khoản 1 Điều 148 BLTTHS quy định:

“1. Hết thời hạn quy định tại Điều 147 của Bộ luật này, cơ quan có thẩm quyền giải quyết quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố khi thuộc một trong các trường hợp:

a, Đã trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp nhưng chưa có kết quả;

b,  Đã yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố vụ án nhưng chưa có kết quả”.

Trên thực tế có nhiều vụ việc mà lời khai của người bị tố giác có ý nghĩa quan trọng làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Tuy nhiên, Cơ quan điều tra không thể triệu tập người bị tố giác để lấy lời khai kiểm tra, xác minh vì lý do người bị tố giác không có mặt tại địa phương. Sau đó, Cơ quan điều tra ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm với lý do: Không triệu tập làm việc, lấy được lời khai của người bị tố giác nên chưa có căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự. Hiện nay có hai quan điểm:

Quan điểm thứ nhất: Cơ quan điều tra phải ra quyết định không khởi tố vụ án vì đã hết thời hạn vẫn chưa có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và trường hợp trên không thuộc một trong các trường hợp tạm đình chỉ giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

Quan điểm thứ hai: Cơ quan điều tra có thể áp dụng điểm b khoản 1, Điều 148 BLTTHS ra quyết định tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm vì nếu ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự sẽ dẫn tới việc người bị tố giác chỉ cần trốn tránh làm việc với Cơ quan điều tra thì có thể không bị xử lý hình sự, bỏ lọt tội phạm và gây bức xúc cho bị hại, cũng như gia đình bị hại; đối với nhũng vụ án dư luận xã hội quan tâm thì gây bức xúc cho người dân.

Qua nghiên cứu và thực tiễn, tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Thân Văn Mạnh- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,415,340
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.139.234.124

    Thư viện ảnh