ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ hai, 23/12/2024 -14:11 PM

Nhận thức khi áp dụng khoản 5 Điều 88 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015

 | 

Chứng cứ theo Bộ luật Tố tụng hình sự là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.(Điều 86 BLTTHS năm 2015). 

Chứng cứ được thu thập, xác định từ các nguồn: Vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử, kết luận giám định, định giá tài sản, biên bản trong hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, kết quả thực hiện ủy thác tư pháp và hợp tác quốc tế khác, các tài liệu, đồ vật khác. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do bộ luật này quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự. (Điều 87 BLTTHS).

Nói cách khác, không phải chứng cứ nào trong nguồn chứng cứ cũng đều được coi là chứng cứ, nếu như không có thật hoặc có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do BLTTHS năm 2015 quy định.

Một trong những điểm mới đáng chú ý trong thu thập chứng cứ theo quy định tại Điều 88 BLTTHS năm 2015 là ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ, cơ quan tiến hành tố tụng thu thập chứng cứ theo đề nghị của người bào chữa thì người bào chữa còn có quyền tự mình thu thập chứng cứ hoặc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa. Việc bổ sung này góp phần làm cho vụ án được xem xét một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ hơn. Khoản 5 Điều 88 BLTTHS 2015 có quy định trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày lập biên bản về hoạt động điều tra, thu thập, nhận được tài liệu liên quan đến vụ án mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao thực hiện một số hoạt động điều tra có trách nhiệm chuyển giao cho Viện kiểm sát. Trường hợp do trở ngại khách quan thì thời hạn này là 15 ngày… . Đây cũng là quy định mới bổ sung để Viện kiểm sát thực hiện việc kiểm sát và nắm bắt toàn bộ các tài liệu, chứng cứ(đối với các hoạt động điều tra mà Kiểm sát viên không trực tiếp kiểm sát) đã thu thập được, nắm chắc tiến độ điều tra vụ án và qua đó cũng tránh được những sai sót trong việc thu thập chứng cứ trong vụ án.

Tuy nhiên, vấn đề trở ngại khách quan như trên được hiểu cụ thể là như thế nào? Có cần được thể hiện bằng tài liệu, chứng cứ (bằng văn bản) và lưu trong hồ sơ vụ án đó hay chỉ là do nhận thức, đánh giá(bằng lời nói) của cơ quan đã thu thập chứng cứ đó? Nội dung này chưa có hướng dẫn.

Theo quan điểm của tôi, vấn đề trở ngại khách quan phải được thể hiện bằng văn bản đồng thời lưu hồ sơ vụ án. Như vậy sẽ tránh được việc Cơ quan điều tra lạm dụng, kéo dài thời hạn chuyển giao tài liệu cho Viện kiểm sát quá thời hạn 05 ngày như đã quy định.

Tôi cho rằng cần có văn bản hướng dẫn để việc áp dụng được thống nhất đối với quy định này. Rất mong ý kiến tham gia của các đồng nghiệp./.

Vi Văn Cảnh- VKSND huyện Yên Thế

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,813,958
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.144.6.9

    Thư viện ảnh