.

Thứ bảy, 27/04/2024 -04:43 AM

Giải pháp kiểm sát việc dẫn giải trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm

 | 

Qua kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm thấy tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn huyện Tân Yên gia tăng, diễn biến phức tạp. Thủ đoạn phạm tội mang tính chất côn đồ, sử dụng hung khí nguy hiểm gây hậu nghiêm trọng. Tuy nhiên sau khi cơ quan Công an tiến hành xác minh thì đối tượng và bị hại tự hòa giải bồi thường, có trường hợp do bị đe dọa, ép buộc dẫn đến người bị hại từ chối giám định thương tích nên không thể khởi tố để điều tra xử lý người phạm tội.

Bộ luật Tố tụng hình sự có quy định về đối tượng bị áp dụng biện pháp cưỡng chế dẫn giải. Biện pháp dẫn giải không chỉ được áp dụng đối với người làm chứng mà còn có thể được áp dụng đối với người bị hại, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố (trong các trường hợp cụ thể theo khoản 2 điều 127 BLTTHS năm 2015). Đặc biệt việc quy định có thể dẫn giải người bị hại trong trường hợp họ từ chối việc giám định theo quyết định trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan là một điểm mới, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng khắc phục được khó khăn trong thực tiễn giải quyết các vụ án Cố ý gây thương tích, Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Hiếp dâm… mà người bị hại từ chối giám định sức khỏe.

Như vậy, việc quy định biện pháp cưỡng chế dẫn giải trong Bộ luật tố tụng hình sự giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng áp dụng thuận tiện hơn trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự. Hiện nay Bộ công an đã ban hành Thông tư số 47/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 quy định thực hiện nhiệm vụ bắt, áp giải, dẫn giải của lực lượng làm nhiệm vụ hỗ trợ tư pháp trong Công an nhân dân.

Tuy nhiên trên thực tế việc dẫn giải là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và dễ bị lạm dụng, thực hiện thủ tục dẫn giải mang hình thức, thực tế cho thấy phần lớn cácquyết định dẫn giải do Cơ quan điều tra ban hành chuyển cho lực lượng Cảnh sát hỗ trợ tư pháp thi hành hầu như không dẫn giải được, có trường hợp ban hành đến 03 quyết định dẫn giải nhưng vẫn không dẫn giải được để giao cho Cơ quan điều tra làm việc với lý do người bị dẫn giải không hợp tác, khóa cửa, khóa cổng không làm việc với tổ dẫn giải.

* Một số giải pháp thực hiện biện pháp dẫn giải

- Thứ nhất, cần nêu rõ vai trò phối hợp không chỉ giữa các cơ quan tư pháp mà còn cần sự liên kết chặt chẽ với chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi người bị dẫn giải cư trú, học tập, làm việc; trách nhiệm tổ chức vận động, thuyết phục cá nhân; gia đình, người thân của người bị dẫn giải chấp hành giấy triệu tập, yêu cầu của các cơ quan điều tra; phối hợp cùng lực lượng cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp làm công tác tư tưởng, kêu gọi người bị dẫn giải chấp hành theo sự hướng dẫn. Trường hợp người bị dẫn giải cố tình không chấp hành quyết định dẫn giải, không thể dừng lại ở việc lập biên bản và thông báo cho cơ quan yêu cầu dẫn giải mà phải có giải pháp phù hợp khác như phối hợp với chính quyền địa phương giáo dục, thuyết phục người bị dẫn giải, chỉ ra các lợi ích khi tuân theo giấy triệu tập, yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Thứ hai: Thực hiện tốt chỉ đạo tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm; đảm bảo truy cứu trách nhiệm hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, hạn chế mức thấp nhất việc oan sai, bỏ lọt tội phạm.       

- Thứ ba: Có thể áp dụng biện phápđột xuất kiểm sát việc thực hiện dẫn giải trong giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra; kiểm sát chặt chẽ trình tự thủ tục dẫn giải theo quy định tại các Thông tư số 47/2020/TT-BCA ngày 15/5/2020 của Bộ Công an. Trường hợp Cơ quan điều tra và lực lượng Hỗ trợ tư pháp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu, quyết định dẫn giải, không có hồ sơ dẫn giải phải kiểm tra làm rõ nguyên nhân và thực hiện kiến nghị.

- Thứ tư: Viện kiểm sát cấp huyện kịp thời tổng hợp báo cáo khó khăn, vướng mắc đến Viện kiểm sát cấp trên về những vụ, việc Cơ quan điều tra ra quyết định dẫn giải nhưng không thực hiện được để liên ngành tư pháp cấp trên quan tâm chỉ đạo giải quyết kịp thời./.

Giáp Văn Hùng- VKSND huyện Tân Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,770,872
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.220.11.34

    Thư viện ảnh