.

Thứ hai, 22/07/2024 -20:34 PM

Xác định số tiền phải chịu lãi chậm trả trong các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng?

 | 

Theo Án lệ số 08/2016/AL được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 17/10/2016 và được công bố theo quyết định số 698/QĐ-CA ngày 17/10/2016 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao theo hướng: Đối với các khoản tiền vay của tổ chức ngân hàng, tín dụng, ngoài khoản tiền nợ gốc, lãi vay trong hạn, lãi vay quá hạn, phí mà khách hàng vay phải thanh toán cho bên cho vay theo hợp đồng tín dụng tính đến ngày xét xử sơ thẩm, thì kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm khách hàng vay còn phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của “số tiền nợ gốc” chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này. 

Tuy nhiên, Bộ luật dân sự năm 2015, có hiệu lực từ ngày 01/01/2017 đã có sự thay đổi về nội dung này. Cụ thể, theo khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Như vậy BLDS năm 2015 quy định cho phép áp dụng lãi trên khoản lãi chưa thanh toán.

Theo khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự năm 2015 và Điều 13 Nghị quyết 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì "đối với trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng mà các bên có thỏa thuận về việc trả lãi thì quyết định kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án". Theo quy định này thì số tiền còn phải thi hành bao gồm cả tiền nợ gốc và tiền lãi.

Tuy nhiên, trong thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng tín dụng, vẫn còn có quan điểm khác nhau về việc xác định số tiền phải chịu lãi chậm trả.

 Quan điểm thứ nhất: Áp dụng án lệ 08/2016/AL, quyết định số tiền phải chịu lãi chậm trả trong các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng là số tiền gốc chưa trả theo hợp đồng tín dụng.

Quan điểm thứ hai: Áp dụng quy định khoản 5 Điều 466 BLDS và Điều 13 Nghị quyết 01/2019, quyết định số tiền phải chịu tiền lãi chậm trả trong các vụ án tranh chấp về hợp đồng tín dụng là “số tiền còn phải thi hành” bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm.

Tác giả đồng tình với quan điểm thứ hai, vì theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị quyết 04/2019NQ-HĐTP ngày 18 tháng 6 năm 2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, theo đó: “Trường hợp do có sự thay đổi của Luật.... mà án lệ không còn phù hợp thì Thẩm phán, Hội thẩm không áp dụng án lệ”. Như đã viện dẫn ở trên án lệ số 08/2016/AL không còn phù hợp với Bộ luật dân sự 2015 nên không được áp dụng để giải quyết vụ án nữa.

Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự, đề nghị Tòa án và Viện KSND tối cao cần sớm có hướng dẫn để các đơn vị thực hiện./.

Trần Ngọc Nam - VKSND thành phố Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,517,611
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:52.14.61.160

    Thư viện ảnh