.

Thứ bảy, 27/04/2024 -09:34 AM

Bài viết trao đổi quan điểm

 | 

Ngày 26/4/2017 anh T có thỏa thuận chuyển nhượng 04 lô đất ở (lô  số 34; 35; 36 và số 39) cho bà L, với tổng giá trị của 04 lô đất là 800.000.000đ. Bà L đặt cọc cho anh T số tiền 100.000.000đ, số tiền còn lại sẽ thanh toán đầy đủ cho bên bán sau 05 ngày khi bên mua nhận được thông báo đã hoàn tất thủ tục sang tên sổ đỏ cho bên mua, việc thỏa thuận và đặt cọc được hai bên viết giấy biên nhận, có người làm chứng.

Ngày 30/11/2017 anh T và bà L đến Văn phòng Công chứng Hòa Tiến ở huyện VY lập, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng 04 thửa đất với nội dung như trên. Ngoài ra trong hợp đồng hai bên còn thỏa thuận, nếu bên bán phá hợp đồng không bán 04 lô đất trên cho bên mua sẽ phải chịu phạt số tiền 200.000.000 đồng và trả lại số tiền 100.000.000đ đã đặt cọc cho bên mua, còn nếu bên mua phá hợp đồng không mua 04 lô đất trên thì bên bán được hưởng số tiền 100.000.000đ bên mua đã đặt cọc và phải chịu phạt thêm số tiền 200.000.000đ cho bên bán.

Đến ngày 20/8/2018 anh T lập hợp đồng chuyển nhượng thửa đất số 39 nêu trên cho anh B. Hợp đồng  này cũng được lập, chứng thực tại Văn phòng Công chứng Hòa Tiến, huyện VY. Hiện nay giấy chứng nhận quyền sử dụng thửa đất số 39 mang tên anh B.

Ngày 10/12/2020 bà L đã làm đơn tố cáo anh T có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình gửi cơ quan điều tra. Tiến hành xác minh làm việc với anh T, anh T trình bày sau khi ký hợp đồng xong thì anh T không muốn bán cho bà L nữa nên đã thông báo cho bà L biết và sẽ chịu phạt theo đúng hợp đồng đã ký nhưng bà L không chấp nhận nên anh T đã bán thửa đất số 39 cho anh B. Tuy nhiên bà L xác định không có việc anh T thông báo với bà về việc không thực hiện hợp đồng và bồi thường cho bà, không thông báo cho bà biết sẽ bán thửa đất số 39 cho anh B.

Qua nghiên cứu vụ việc nêu trên hiện có hai quan điểm khác nhau:

Quan điểm thứ nhất: Việc anh T đã làm hợp đồng chuyển nhượng 04 thửa đất nêu trên cho bà L, hợp đồng được Văn phòng công chứng Hòa Tiến chứng thực  theo đúng quy định nhưng sau đó anh T  lại bán thửa đất 39 cho anh B. Việc chuyển nhượng cũng được lập tại Văn phòng công chứng Hòa Tiến, nhưng khi lập hợp đồng anh T không thông báo thửa đất trên đã được Văn phòng công chứng chứng thực trước đó nhưng chưa bị hủy. Anh T cũng không thông báo cho bà L sẽ bán thửa đất số 39 cho anh B, không thông báo cho anh B biết thửa đất trên anh T đang có tranh chấp với bà L. Như vậy anh T đã có hành vi gian dối đối với bà L, anh B để làm hợp đồng bán thửa đất số 39 hai lần cho hai người để chiếm đoạt số tiền của bà L 100 triệu đồng. Hành vi trên của anh T có dấu hiệu của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 175 Bộ luật hình sự.

Quan điểm thứ hai: Đây là tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng đã được công chứng. Nếu bên nào vi phạm hợp đồng thì thực hiện theo hợp đồng đã thỏa thuận, nếu hai bên không tự giải quyết được có quyền khởi kiện ra Tòa án để giải quyết bằng một vụ án dân sự.

Tôi đồng tình với quan điểm thứ hai. Mong nhận được ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Vương Văn Phong- VKSND huyện Lục Ngạn

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,772,800
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.222.179.186

    Thư viện ảnh