Ngày 13/4/2018, TAND huyện H ra quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự giữa bà Nguyễn Thị K và bà Trần Thị B về việc bà B có trách nhiệm thanh toán trả bà K tổng số tiền là 300.000.000 đồng, trả làm 03 lần, mỗi lần 100.000.000 đồng. Quá trình thi hành án, bà B đã thi hành xong 2 lần là 200.000.000 đồng. Còn 100.000.000 đồng, ngày 13/6/2019, Cơ quan thi hành án hẹn bà K và bà B đến để làm việc về việc thi hành khoản tiền trên, tuy nhiên bà B chỉ có 60.000.000 đồng để trả cho bà K. Vì không muốn đi lại nhiều nên bà K đồng ý ký biên bản thi hành án thể hiện bà B đã thi hành xong khoản nợ còn lại là 100.000.000 đồng. Số tiền còn thiếu (gồm 40.000.000 đồng chưa trả và 5.000.000 đồng tiền lãi chậm trả của khoản tiền trên) bà K đồng ý để bà B trả sau và hai bên viết thành giấy vay nợ với nội dung ngày 13/6/2019, bà B vay bà K số tiền 45.000.000 đồng, hẹn đến ngày 15/8/2019, bà B sẽ trả đủ cho bà K số tiền 45.000.000 đồng. Đến nay, do bà B chưa trả bà số tiền còn thiếu trên nên bà K làm đơn khởi kiện bà B đến TAND huyện H yêu cầu bà B trả bà số tiền 45.000.000 đồng, không yêu cầu lãi suất.
Có hai quan điểm cho rằng:
Quan điểm thứ nhất: Khoản nợ 45.000.000 đồng bà K khởi kiện yêu cầu bà B phải trả cho bà K thực chất là khoản nợ trong số nợ 300.000.000 đồng mà TAND huyện H đã giải quyết ngày 13/4/2018. Do vậy, TAND huyện H không thụ lý yêu cầu khởi kiện của bà K vì nội dung này đã được giải quyết bằng quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật (quy định tại điểm c khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự).
Quan điểm thứ hai: Tòa án phải thụ lý yêu cầu khởi kiện của bà K vì khoản nợ 300.000.000 đồng đã được thi hành xong. Việc bà K và bà B ký giấy vay nợ ngày 13/6/2019 đã làm phát sinh quyền và nghĩa vụ mới giữa các bên.
Tôi đồng ý với quan điểm thứ 2. Rất mong ý kiến trao đổi của đồng nghiệp.
Ngô Thị Thắm - Viện KSND huyện Lục Nam