Người khởi kiện ông Nguyễn Văn T trình bày:Hộ gia đình ông gồm có ông là chủ hộ; vợ ông là bà Thân Thị H, sinh năm 1953 và các con là anh Nguyễn Văn C sinh năm 1976, chị Nguyễn Thị D sinh năm 1982, chị Nguyễn Thị E sinh năm 1986, chị Nguyễn Thị Y sinh năm 1988, anh Nguyễn Văn G sinh năm 1991.
Ngày 26/01/1994, gia đình ông T đã được UBND huyện L cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) gồm: Diện tích 4.338m2 (trong đó có 368m2 đất ở, phần diện tích đất còn lại là đất trồng lúa) tại số thửa 799, tờ bản đồ số 07; diện tích 310m2 đất ở, tờ bản đồ số 02 và diện tích 362m2 đất trồng lúa, thửa số 728, tờ bản đồ số 05; thuộc xã T.L, huyện L, tỉnh B. Hộ gia đình ông T đã quản lý, sử dụng đất ổn định và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước. Sau đó, gia đình ông T đã chuyển nhượng diện tích 310m2 đất ở, tờ bản đồ số 02 cho người khác và ông T đã nhận chuyển nhượng diện tích 84m2 đất ở, thửa số 78, tờ bản đồ số 00 thuộc xã T.L.
Ông T cho rằng gia đình ông gồm nhiều thế hệ sống chung, để đảm bảo về chỗ ở, ngày 17/6/2019 ông T đã làm hồ sơ gửi UBND huyện L đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 362m2 đất trồng lúa, thửa số 728, tờ bản đồ số 05 sang giao đất ở nông thôn cho hộ gia đình ông theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, nhưng không được UBND huyện L chấp nhận.
Ông T khởi kiện đề nghị Tòa án buộc UBND huyện L phải thực hiệnchuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 362m2 đất trồng lúa tại thửa số 728, tờ bản đồ số 05 sang đất ở nông thôn cho hộ gia đình ông T.
Người bị kiện là UBND huyện L do người đại diện trình bày: Diện tích 362m2, thửa số 728, tờ bản đồ số 05 do hộ ông T quản lý, sử dụng đã được UBND huyện L cấp GCNQSDĐ ngày 26/01/1994 cho hộ ông T, mục đích sử dụng là đất trồng lúa.
Ngày 17/11/2011 UBND huyện L đã ban hành Thông báo số 109/TB-UBND về việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất sang giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở thông qua đấu giá quyền sử dụng đất tại xã T.L; trong đó có thông báo thu hồi diện tích 362m2 đất, thửa số 728, tờ bản đồ số 05 của hộ ông T. Khi tiến hành kiểm kê tài sản gắn liền trên đất, lập phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thu hồi, hộ ông T không đồng thuận, không đồng ý với đơn giá của UBND tỉnh B quy định tại Quyết định số 36/2011/QĐ-UBND ngày 27/01/2011 và ông T yêu cầu được bồi thường bằng 01 lô đất ở.
UBND huyện L đã phối hợp với UBND xã T.L để tuyên truyền, vận động nhưng hộ ông T không nhất trí, cho nên UBND huyện L đã không thu hồi diện tích 362m2 đất của hộ ông T.
Hiện trạng diện tích 362m2 đất , thửa số 728, tờ bản đồ số 05 nằm xen kẹt khu đất đã được Nhà nước thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất sang giao đất ở cho nhân dân và thửa đất này có đường điện 110 KV chạy quanên không đảm bảo hành lang an toàn đường điện, hộ ông T đang canh tác cấy lúa.Vị trí diện tích 362m2 đất của hộ ông T không nằm trong kế hoạch sử dụng đất các năm 2019và 2020 của UBND huyện L đã được UBND tỉnh B phê duyệt tại Quyết định số 177/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 và Quyết định số 141/QĐ-UBND ngày 27/02/2020.Mặt khác, theo quy định về hạn mức đất ở nông thôn áp dụng cho địa bàn xã T.L là 360m2/ hộ gia đình, cá nhân.
Căn cứ quy định tại khoản1 Điều 52,điểm g khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013, UBND huyện L nhận thấy yêu cầu của ông T là không có cơ sở.
Với nội dung vụ kiện nêu trên, có hai quan điểm khác nhau về việc giải quyết yêu cầu của ông T:
Quan điểm thứ nhất: Hộ gia đình ông T có đủ điều kiện để buộc UBND huyện L phải chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 362m2 đất trồng lúa sang đất ở nông thôn theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai năm 2013.
Quan điểm thứ hai: Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 52,điểm g khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai năm 2013 thì việcUBND huyện L không chấp nhận yêu cầu của ông T chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích 362m2 đất trồng lúa sang đất ở nông thôn là đúng.
Trên đây là hai quan điểm khác nhau về việc giải quyết vụ kiện của ông T. Tôi xin nêu ra để các đồng chí cùng nghiên cứu và trao đổi để vận dụng trong thực tiễn của công tác kiểm sát.
Hoàng Đức Trình- Phòng 10 VKSND tỉnh Bắc Giang