ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 10/01/2025 -03:56 AM

Trao đổi bài viết “Cần xử lý hành vi của Hứa Thanh T về tội gì?”

 | 

Ngày 03/11/2020, tác giả Nguyễn Văn Tuyển- Phòng 2 VKSND tỉnh có bài viết trao đổi “Cần xử lý hành vi của Hứa Thanh T về tội gì?” đăng trên Trang tin điện tử của VKSND tỉnh Bắc Giang. Bài viết đã đưa ra 03 quan điểm khác nhau để giải quyết vụ việc. Sau khi nghiên cứu bài viết trao đổi, tôi đồng tình với quan điểm thứ 1, bởi những lẽ sau:

>>> Cần xử lý hành vi của Hứa Thanh T về tội gì?

- Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 142 BLHS thì hiếp dâm người dưới 16 tuổi là “hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc lợi dụng tình trạng không thể tự vệ được của nạn nhân hoặc thủ đoạn khác giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi trái với ý muốn của họ”; như vậy trong quy định của điều luật có “thủ đoạn khác” đây là quy định mở nhằm đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng chống loại tội phạm này.

Theo hướng dẫn tại mục 8 Điều 3 Nghị quyết số 06 ngày 01/10/2019 Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại các Điều 141, 142, 143, 144, 145, 146, 147 của BLHS và việc xét xử vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi ( sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 06) thì “Thủ đoạn khác quy định tại khoản 1 Điều 141 và khoản 1 Điều 142 của Bộ luật Hình sự bao gồm các thủ đoạn như đầu độc nạn nhân; cho nạn nhân uống thuốc ngủ, thuốc gây mê, uống rượu, bia hoặc các chất kích thích mạnh khác làm nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác; hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác”.

Như vậy, thủ đoạn khác không chỉ là những hành vi làm tê liệt sự kháng cự của nạn nhân, làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi để giao cấu mà kể cả những thủ đoạn tuy không làm cho nạn nhân lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, nạn nhân vẫn còn khả năng tự vệ, làm chủ bản thân nhưng buộc phải để cho đối tượng giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác trái ý muốn là cấu thành tội hiếp dâm.

Trong hướng dẫn của Nghị quyết số 06 chỉ liệt kê một số thủ đoạn như “hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học, đi thi đấu, đi biểu diễn ở nước ngoài”, tuy nhiên theo quan điểm của tôi đây là quy định mở nên nghị quyết không thể liệt kê hết các thủ đoạn được mà cần phải xem xét, đánh giá tính chất tương tự của thủ đoạn (Ví dụ: hứa hẹn cho chuyển công tác, cho bổ nhiệm,…để giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác).

Trong tình huống cụ thể này, Hứa Thanh T đã dùng thủ đoạn sử dụng clip khỏa thân của cháu H để đe dọa, ép buộc cháu phải quan hệ tình dục trái ý muốn, ở đây chúng ta thấy Hứa Thanh T đã có ý đồ thực hiện hành vi phạm tội từ trước, T ở gần nhà và đã biết cháu H từ trước, lợi dụng tâm sinh lý còn non nớt của trẻ em nên T tạo tài khoản facebook giả để tán tỉnh, yêu đương và lừa cháu gửi clip cho T, sau khi có clip thì T quay ra khống chế cháu H để thực hiện hành vi phạm tội.

Như vậy, nếu xét về tính chất nguy hiểm của thủ đoạn phạm tội thì những thủ đoạn như hứa hẹn cho tốt nghiệp, cho đi học..như đã nêu ở trong Nghị quyết số 06 không thể nguy hiểm bằng thủ đoạn của Hứa Thanh T, do vậy theo quan điểm của cá nhân tôi thì hành vi của Hứa Thanh T phải xử lý về tội hiếp dâm theo quy định tại khoản 2 Điều 142 BLHS mới phù hợp. 

- Đối với quan điểm thứ 2 trong bài viết cho rằng giữa T và cháu H có quan hệ tình cảm,  T có các clip khoả thân của cháu H (cháu H lệ thuộc T) do vậy, hành vi của T là phạm tội cưỡng dâm. Tuy nhiên theo quan điểm của tôi thì giữa T và cháu H không có quan hệ tình cảm, vì cháu H chỉ quen biết T qua mạng xã hội, chưa gặp trực tiếp T (vì T tạo tài khoản facebook giả), chỉ đến khi T ép buộc phải gặp mặt thì cháu mới biết T.

Mặt khác hành vi sử dụng clip khỏa thân để ép buộc không phải là quan hệ lệ thuộc; theo hướng dẫn tại mục 10 Điều 3 Nghị quyết số 06 thì  “Người lệ thuộc quy định tại khoản 1 Điều 143 và đang ở trong tình trạng lệ thuộc mình quy định tại khoản 1 Điều 144 của Bộ luật Hình sự là trường hợp người bị hại bị lệ thuộc vào người phạm tội về vật chất (ví dụ: người bị hại được người phạm tội nuôi dưỡng, chu cấp chi phí sinh hoạt hàng ngày...) hoặc lệ thuộc về tinh thần, công việc, giáo dục, tín ngưỡng (ví dụ: người bị hại là người lao động làm thuê cho người phạm tội; người bị hại là học sinh trong lớp do người phạm tội là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên bộ môn...).

Theo quan điểm của tôi thì quan hệ lệ thuộc ở đây phải là những quan hệ lệ thuộc có tính hợp pháp, còn những mối quan hệ lệ thuộc do sử dụng thủ đoạn trái pháp luật thì không phải là lệ thuộc mà là ép buộc, do vậy hành vi của T phải là hiếp dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.

-  Đối với quan điểm thứ 3 cho rằng hành vi giao cấu lần thứ nhất T phạm tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 142 BLHS, còn lần thứ hai và thứ ba là phạm tội Cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi theo điểm d khoản 2 Điều 144 BLHS, cũng như trên theo quan điểm của tôi là không phù hợp vì ở đây giữa T và cháu H không phải là quan hệ lệ thuộc, lần giao cấu thứ hai và thứ 3 cũng là ép buộc, trái ý muốn của nạn nhân.

- Ngoài ra, theo quan điểm của tôi thì trường hợp này cũng không phải là người đang ở trong tình trạng quẫn bách theo hướng dẫn tại mục 11 Điều 3 Nghị quyết số 06 vì nguyên nhân dẫn đến bị hại rơi vào hoàn cảnh quẫn bách phải là do tự bản thân họ, hoặc gia đình họ hoặc nguyên nhân khách quan gây ra chứ không phải do thủ đoạn, hành vi trái pháp luật của người khác.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong được các đồng nghiệp cùng trao đổi./.   

Ngô Văn Tuấn- VKSND huyện Tân Yên

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,046,395
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.191.63.237

    Thư viện ảnh