.

Thứ hai, 22/07/2024 -22:47 PM

Trao đổi bài viết: Áp dụng pháp luật trong trường hợp “Phạm tội chưa đạt”

 | 

Sau khi đọc bài viết áp dụng pháp luật trong trường hợp “Phạm tội chưa đạt” đăng trên trang tin điện tử VKSND tỉnh Bắc Giang của tác giả Nguyễn Thị Dương Quỳnh- VKSND huyện Việt Yên. Tôi có quan điểm như sau: 

>>> Áp dụng pháp luật trong trường hợp “Phạm tội chưa đạt”

Theo tình huống tác giả nêu: Khoảng 23 giờ ngày 05/5/2020, Nguyễn Văn A đột nhập vào nhà anh Trần Văn B với mục đích trộm cắp tài sản. Khi A đang cậy khoá chiếc két sắt trong nhà anh B để lấy tài sản thì bị phát hiện và bắt quả tang. Sau khi kiểm tra, Cơ quan điều tra xác định trong chiếc két sắt có số tiền 20.000.000 đồng. 

Đối với tình huống tác giả đã nêu thì hành vi của A không thuộc trường hợp “Chưa gây thiệt hại” và “Gây thiệt hại không lớn” bởi lẽ, A thực hiện hành vi trộm cắp tài sản vào ban đêm, mặc dù hậu quả về vật chất chưa xảy ra nhưng hành vi trên đã gây thiệt hại lớn về tinh thần, gây tâm lý lo lắng, bất bình trong nhân dân và mất trật tự trị an trên địa bàn nên A không được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. 

Tuy nhiên nếu hành vi của A thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và thiệt hại chưa xảy ra thì có được được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” theo điểm h khoản 1 Điều 51Bộ luật hình sự hay không ? thì tôi có quan điểm như sau:

 Theo quy định tại Điều 15 BLHS quy định: “Phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt”.

Theo khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “Đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức hình phạt tù mà điều luật quy định”.

Như vậy, Bộ luật hình sự quy định phạm tội chưa đạt không phải là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt mà chỉ có ý nghĩa trong việc quyết định hình phạt nhẹ hơn mức tương ứng theo khung hình phạt và tội danh mà Bộ luật hình sự quy định đối với những người phạm tội hoàn thành.

Công văn số 994/VKSTC-V3 ngày 09/4/2012 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm g khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015) thì: Trong trường hợp hậu quả vật chất do hành vi phạm tội chưa xảy ra trên thực tế như trộm cắp chưa lấy được tài sản, chưa chuyển dịch tài sản ra khỏi nơi quản lý của chủ tài sản (hậu quả trên nằm ngoài ý thức chủ quan của người phạm tội) thì vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “Chưa gây thiệt hại” và “Gây thiệt hại không lớn” .

Do vậy, nếu hành vi của A thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt và thỏa mãn điều kiện “Chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn” thì A vẫn được áp dụng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm h khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự.

Mong được sự trao đổi, đóng góp ý kiến của đồng nghiệp và bạn đọc./.

Lương Văn Tuấn- VKSND huyện Yên Dũng

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,518,001
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.119.162.106

    Thư viện ảnh