ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ sáu, 10/01/2025 -03:58 AM

Giải quyết ly hôn với người đang bị truy nã

 | 

Chị A và anh B kết hôn trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật. Quá trình vợ chồng chung sống, anh B vi phạm pháp luật và bị Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can. Sau khi bị khởi tố, anh B đã bỏ trốn khỏi địa phương và bị Cơ quan điều tra ra quyết định truy nã. Sau khi anh B đi khỏi địa phương, chị A làm đơn yêu cầu Tòa án xử cho chị và anh B được ly hôn. Tòa án đã tiến hành thụ lý vụ án hôn nhân gia đình. Quá trình xác minh tại địa phương, gia đình anh B và chính quyền địa phương không nắm được mâu thuẫn giữa chị A và anh B. Hiện có 02 quan điểm giải quyết đối với vụ án, cụ thể:

Quan điểm thứ nhất: Theo điểm e khoản 1 Điều 192 Bộ luật tố tụng dân sự người bị kiện nhưng họ không có nơi cư trú ổn định, thường xuyên thay đổi nơi cư trú mà không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú làm cho người khởi kiện không biết được nhằm mục đích che giấu địa chỉ, trốn tránh nghĩa vụ đối với người khởi kiện thì Tòa án vẫn tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung. Tuy nhiên trong vụ án này, anh B không trốn tránh nghĩa vụ đối với chị A và nếu chỉ căn cứ vào lời khai của chị A về mâu thuẫn vợ chồng để xử cho chị A ly hôn thì không đảm bảo quyền lợi cho anh B. Mặt khác anh B không còn ở tại địa phương và không xác định được địa chỉ của anh B. Do đó, Tòa án cần ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự.

Quan điểm thứ hai: Theo khoản 2 Điều 14 Hiến pháp quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Với quy định này, có thể khẳng định quyền ly hôn với một bên đang bị truy nã không thuộc trường hợp bị hạn chế theo quy định của luật. Cũng tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐTP ngày 05/5/2017 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án dân dân tối cao hướng dẫn về địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan như sau: “Địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan quy định tại điểm đ, e khoản 4 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là địa chỉ người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã từng cư trú, làm việc hoặc có trụ sở mà người khởi kiện biết được gần nhất tính đến thời điểm khởi kiện và được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp, xác nhận hoặc có căn cứ khác chứng minh”. Việc anh B bỏ trốn là bất hợp pháp, nhằm trốn tránh sự truy tìm của cơ quan có thẩm quyền, cố tình giấu địa chỉ theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS. Anh B đã tự từ bỏ quyền tham gia tố tụng. Do đó, Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án theo thủ tục chung nhằm đảm bảo quyền lợi cho chị A.

Tôi đồng ý với quan điểm thứ hai, rất mong nhận được sự quan tâm cũng như ý kiến trao đổi của các đồng nghiệp./.

Nguyễn Thị Nghĩa- VKSND huyện Yên Thế

 

 

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,046,402
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.188.162.87

    Thư viện ảnh