Công tác kiểm sát và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp là một trong những khâu công tác giữ vai trò quan trọng của ngành Kiểm sát nhân dân, thường xuyên được Lãnh đạo Viện các cấp quan tâm, chỉ đạo. Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã ban hành Kế hoạch số 09-KH/BCSĐ ngày 04/8/2014 về việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 26/5/2014 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số 04/CT-VKSTC ngày 28/7/2017 về tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo trong hoạt động tư pháp.
Công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo là giai đoạn đầu tiên của hoạt động giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Làm tốt công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo sẽ giúp nâng cao hiệu quả của công tác giải quyết và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp, từ đó góp phần bảo vệ, khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền của nhân dân, khắc phục được những lệch lạc, sai lầm của cán bộ, công chức. Qua đó, sẽ nâng cao được vị thế, vai trò và hình ảnh của người cán bộ kiểm sát trong lòng người dân, củng cố được niềm tin của người dân vào sự công bằng của pháp luật.
Mặc dù việc tiếp nhận, xử lý đơn của VKSND các cấp được quy định cụ thể tại các Điều 4, Điều 9, Điều 10 và Điều 11 Quy chế về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của VKSND tối cao, nhưng qua thực tiễn công tác thấy còn một số hạn chế, thiếu sót trong khâu công tác này như chưa phân biệt được đó là đơn khiếu nại, đơn tố cáo hay đơn kiến nghị, phản ánh. Nếu không xác định được các yếu tố này sẽ dẫn đến việc phân loại, xử lý đơn không đúng, đơn bị chuyển lòng vòng, không được giải quyết kịp thời hoặc giải quyết sai thẩm quyền, đôi khi cả nội dung giải quyết cũng trái pháp luật.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; trong quá trình công tác và qua việc nghiên cứu tổng hợp, tôi mạnh dạn đưa ra một số kỹ năng tác nghiệp để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp như sau:
Thứ nhất: Người phân loại, xử lý đơn phải hiểu đúng về nhiệm vụ, chức năng của từng cơ quan, tổ chức và nội dung, yêu cầu của công dân nêu trong đơn, đơn đủ điều kiện thụ lý hay không.
Thứ hai: Nghiên cứu nội dung đơn cần phải đi sâu về nội dung trình bày trong đơn và các tài liệu gửi kèm theo. Đây là công việc đòi hỏi phải hết sức cẩn thận và kỹ càng theo trình tự: đọc, tóm tắt nội dung, ghi chép, đánh dấu nội dung quan trọng. Giai đoạn này phải xác định cho được những vấn đề: Nội dung đơn đề cập vấn đề gì (nếu trong đơn có nhiều nội dung, nhiều yêu cầu thì phải phân chia rõ ràng từng nội dung thuộc lĩnh vực nào và thẩm quyền thuộc cơ quan nào giải quyết, đã giải quyết đến cấp nào của từng nội dung… và phải rút ra vấn đề nào là mấu chốt được nêu trong đơn yêu cầu), loại đơn là đơn khiếu nại, đơn tố cáo hay kiến nghị, phản ánh.
Thứ ba: Trường hợp khi phân loại, xử lý đơn mà tiêu đề của đơn lại không thống nhất với nội dung của đơn: Nếu tiêu đề của đơn là “Đơn tố cáo” nhưng có nội dung lại là khiếu nại thì giải quyết theo trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; còn nếu tiêu đề của đơn là “Đơn khiếu nại” nhưng có nội dung là tố cáo thì giải quyết theo trình tự, thủ tục của giải quyết tố cáo. Ví dụ trường hợp không đồng ý với Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, công dân gửi đơn khắp nơi, họ ghi đơn tố cáo “vu vơ” hoặc có trường hợp tố cáo cán bộ để đạt được mục đích chính là khiếu nại đối với Quyết định không khởi tố vụ án của Cơ quan điều tra, ở trường hợp này thì chúng ta phải căn cứ vào nội dung để phân biệt là khiếu nại hay tố cáo để áp dụng trình tự, thủ tục giải quyết cho phù hợp.
Thứ tư: Trong quá trình phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo cần chú ý đến đối tượng của khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng. Không phải bất cứ khiếu nại, tố cáo nào liên quan đến công chức trong các ngành tư pháp cũng là khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp. Trong trường hợp công chức của cơ quan tư pháp mà không phải là người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, có hành vi bị khiếu nại, tố cáo hoặc người tiến hành tố tụng có hành vi vi phạm bị khiếu nại, tố cáo nhưng hành vi này không phải là hành vi tố tụng thì việc giải quyết khiếu nại, tố cáo được tiến hành theo quy định của Luật khiếu nại, Luật tố cáo.
Thứ năm: Sau khi nghiên cứu nội dung đơn, đối chiếu với các quy định của pháp luật để xác định loại đơn và thẩm quyền giải quyết loại đơn đó. Tùy theo mỗi lĩnh vực hoạt động tư pháp mà nhiệm vụ, quyền hạn kiểm sát của Viện kiểm sát cũng khác nhau, cụ thể:
Đối với đơn thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát, cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Trong lĩnh vực tố tụng hình sự: Viện kiểm sát tham gia trong cả quá trình giải quyết vụ án, do đó pháp luật quy định Viện kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo từ khi Cơ quan điều tra tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến khi có bản án, quyết định của Tòa án. Ví dụ như: Khiếu nại quyết định, hành vi của Thủ trưởng Cơ quan điều tra do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 475 Bộ luật Tố tụng hình sự). Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra do VKSND cấp có thẩm quyền truy tố giải quyết (Quy định tại Điều 475 BLTTHS). Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng hoặc Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 476 BLTTHS). Đối với khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố: Khoản 2 Điều 269 BLTTHS quy định về người có quyền khiếu nại: “Đối với bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, cáo trạng hoặc quyết định truy tố, quyết định áp dụng thủ tục rút gọn,...thì giải quyết theo các chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI của Bộ luật này”. Như vậy, khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố không được giải quyết theo quy định tại Chương XXXIII về khiếu nại tố cáo trong BLTTHS, song các Chương XXI, XXII, XXIV, XXV, XXVI và XXXI lại không quy định trình tự, thủ tục giải quyết đơn khiếu nại cáo trạng hoặc quyết định truy tố. Tuy nhiên, Điều 277 BLTTHS quy định sau khi nhận hồ sơ vụ án và bản cáo trạng, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định: Đưa vụ án ra xét xử; trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung; tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án. Điều 285 BLTTHS quy định VKS có quyền rút quyết định truy tố trước khi mở phiên tòa; Điều 319 BLTTHS quy định Kiểm sát viên có thể rút một phần hoặc toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn. Do vậy, khi nhận được đơn khiếu nại đối với cáo trạng hoặc quyết định truy tố thì chuyển đơn đến đơn vị thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra để xem xét.
- Trong lĩnh vực tố tụng dân sự: Do tính chất đặc thù của nguyên tắc tố tụng dân sự là tôn trọng quyền tự định đoạt, thỏa thuận của các đương sự, nên thẩm quyền của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tụng trong tố tụng dân sự hẹp hơn so với lĩnh vực tố tụng hình sự và chủ yếu tập trung ở Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát chỉ tiến hành giải quyết khiếu nại các hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 504 Bộ luật tố tụng dân sự).
- Trong lĩnh vực tố tụng hành chính: Thẩm quyền giải quyết vụ án tập trung ở Tòa án, do vậy, Viện kiểm sát chỉ tiến hành giải quyết Khiếu nại các quyết định, hành vi tố tụng của Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp giải quyết (Quy định tại Điều 332 Luật Tố tụng hành chính).
- Trong lĩnh vực thi hành án hình sự: Ngoài việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với hoạt động kiểm sát việc thi hành án hình sự của Viện kiểm sát, Luật thi hành án hình sự (THAHS) quy định Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo trong quản lý, giáo dục người chấp hành án phạt tù. Các khiếu nại, tố cáo trong thi hành án hình sự như khiếu nại việc tổ chức giam giữ phạm nhân không đúng quy định, liên quan đến kỷ luật lao động, liên quan đến việc giải quyết trường hợp phạm nhân chết… do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp tỉnh giải quyết (Quy định tại Điều 178, 192 Luật THAHS). Khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm sát thi hành án hình sự như khiếu nại hành vi của Kiểm sát viên trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam thi hành án hình sự, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân… do Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp giải quyết (Quy định tại Điều 9 Luật Tổ chức VKSND, Điều 192 Luật THAHS).
Đối với đơn thuộc thẩm quyền kiểm sát:Việc phân loại đơn thuộc trách nhiệm kiểm sát việc giải quyết, trước hết cần xác định đối tượng và phạm vi kiểm sát. Theo đó, Viện kiểm sát chỉ kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về tư pháp của các cơ quan tư pháp. Sau khi đã xác định được đơn thuộc thẩm quyền giải quyết hay kiểm sát việc giải quyết của cấp nào, đơn vị nghiệp vụ nào thì cán bộ, Kiểm sát viên đề xuất lãnh đạo xử lý theo quy định của pháp luật (việc xử lý đơn phải theo quy định tại Điều 10 Quy chế 51).
Để góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của ngành Kiểm sát Bắc Giang trong thời gian tới, tôi xin đề xuất một số giải pháp như sau:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của thủ trưởng đơn vị trong việc quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm các Chỉ thị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kế hoạch công tác cũng như chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh về khâu công tác này; Thường xuyên theo dõi, kiểm tra hiệu quả công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại đơn vị từ đó kịp thời chỉ đạo khắc phục những hạn chế, thiếu sót của cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị; Lãnh đạo phân công Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm trực tiếp kèm cặp, hướng dẫn nghiệp vụ cho các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới được bổ nhiệm, theo hình thức cầm tay chỉ việc để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện kỹ năng nghề cho đội ngũ cán bộ trẻ.
Hai là, cần tổ chức sinh hoạt chuyên đề về khâu công tác này theo đó các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, cán bộ làm công tác phân loại, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (trọng tâm là Kiểm sát viên, Kiểm tra viên mới được bổ nhiệm) thực hiện việc tự xây dựng các loại báo cáo chuyên đề và các loại báo cáo liên quan đến lĩnh vực công tác này. Qua đó, giúp cho mỗi cán bộ, Kiểm sát viên nhận thức sâu sắc, đầy đủ hơn về những quy định của Luật, nâng cao ý thức chủ động tự nghiên cứu, học tập, kỹ năng trình bày, tiếp công dân của đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trẻ, góp phần đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới.
Ba là, thực hiện nghiêm túc Quy chế số 51 ngày 02/02/2016 của VKSND tối cao; Thông tư liên tịch số 02 ngày 05/9/2018 của Liên ngành Trung ương quy định việc phối hợp thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự về khiếu nại, tố cáo đồng thời phải tích cực, chủ động nghiên cứu những quy định của pháp luật và những văn bản liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo để tham mưu, đề xuất giải quyết đảm bảo có căn cứ. Những trường hợp có tính chất phức tạp, có khó khăn, vướng mắc về nhận thức và áp dụng pháp luật thì cần đưa ra trao đổi, thảo luận kỹ trong đơn vị trước khi đề xuất giải quyết.
Bốn là, phải chủ động nắm chắc tình hình khiếu kiện của công dân thông qua việc kiểm sát điều tra vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết vụ, việc dân sự để giải quyết ngay từ đầu đồng thời phải trực tiếp nghiên cứu kỹ nội dung đơn khiếu nại, tố cáo. Căn cứ tính chất vụ việc lãnh đạo đơn vị phân công Kiểm sát viên cho phù hợp để phát huy tối đa năng lực và sở trường của mỗi Kiểm sát viên; Đối với những đơn khiếu nại, tố cáo có tính chất phức tạp, nhạy cảm, được báo chí và dư luận xã hội quan tâm thì Lãnh đạo đơn vị trực tiếp giải quyết.
Năm là, đối với những đơn khiếu nại quyết định giải quyết của Viện kiểm sát cấp huyện, Lãnh đạo Phòng nghiệp vụ Viện kiểm sát tỉnh cần trao đổi trực tiếp với Lãnh đạo Viện kiểm sát cấp huyện về nội dung khiếu nại; Đề nghị phối hợp, sớm chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan để nghiên cứu, giải quyết. Trường hợp cần thiết thì mời Kiểm sát viên được phân công thụ lý, kiểm sát giải quyết cùng trao đổi, làm rõ thêm nội dung, thông tin cần thiết trước khi đề xuất hướng giải quyết.
Sáu là, tập trung đơn về một đầu mối, đảm bảo 100% đơn của công dân gửi đến phải được xem xét xử lý đúng quy định của pháp luật; Duy trì phối hợp tốt với các Cơ quan tư pháp cùng cấp cũng như các các cơ quan, ban, ngành tại địa phương để làm tốt công tác xử lý đơn./.
Nguyễn Việt Anh- Thanh tra Viện KSND tỉnh Bắc Giang