Hiện nay, pháp luật chưa có quy định cụ thể về trình tự thủ tục và thời hạn ra quyết định truy nã đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn, từ đó dễ dẫn đến tình trạng lợi dụng để kéo dài thời gian đưa bị án đi chấp hành án.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 364 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 quy định: “3…Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại mà bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại ra quyết định truy nã”.
Tại khoản 4 Điều 23 Luật thi hành án hình sự năm 2019 quy định: “Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, người chấp hành án phải có mặt tại trụ sở cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu được chỉ định trong quyết định thi hành án; quá thời hạn này mà người đó không có mặt, Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp hoặc Vệ binh hỗ trợ tư pháp thực hiện áp giải thi hành án.
Trường hợp người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu ra quyết định truy nã và tổ chức truy bắt…”
Ngoài ra, khoản 1 Điều 10 Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012 của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, VKSND tối cao, TAND tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật thi hành án hình sự về truy nã cũng quy định như sau:
“1. Người bị kết án phạt tù đang được tại ngoại, khi có quyết định thi hành án nhưng bỏ trốn thì Tòa án đã ra quyết định thi hành án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh nơi người bị kết án phạt tù được tại ngoại ra quyết định truy nã...”.
Như vậy, theo quy định của pháp luật, nếu người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn thì Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh ra quyết định truy nã, tuy nhiên luật không quy định rõ Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh phải tiến hành các thủ tục gì (xác minh việc bỏ trốn, xác định chính xác lý lịch, đặc điểm nhận dạng,…) và trong khoảng thời gian bao lâu thì phải ra quyết định truy nã.
Trên thực tế, sau 07 ngày người bị kết án phạt tù đang tại ngoại không tự nguyện đi chấp hành án, Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện sẽ ra lệnh áp giải bị án đi chấp hành án, quá trình thi hành lệnh áp giải người bị kết án phạt tù không có mặt ở nơi cư trú nên không áp giải được, khi đó Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện sẽ tiến hành lập biên bản xác minh để xác định người bị kết án phạt tù đã bỏ trốn; sau đó Cơ quan thi hành án hình sự Công an huyện làm văn bản thông báo cho Tòa án biết việc bị án đã bỏ trốn, không áp giải đi chấp hành án được và đề nghị Chánh án Tòa án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh ra quyết định truy nã.
Tuy nhiên do pháp luật chưa quy định là trong thời hạn bao nhiêu ngày kể từ ngày không thi hành được lệnh áp giải thi hành án Cơ quan thi hành án hình sự phải xác minh và xác minh bao nhiêu lần để xác định là người phải chấp hành án phạt tù tại ngoại bỏ trốn nên Cơ quan thi hành án hình sự thường để kéo dài mà không làm văn bản đề nghị Tòa án có văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh ra quyết định truy nã ngay.
Ngoài ra, nhiều trường hợp Tòa án đã ra văn bản yêu cầu Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh tiến hành truy nã người bị kết án phạt tù tại ngoại bỏ trốn, nhưng Cơ quan thi hành án hình sự Công an tỉnh lại kéo dài thời gian tiến hành xác minh, truy tìm,…, từ đó dẫn đến việc chậm ra quyết định truy nã, làm ảnh hưởng đến công tác thi hành án hình sự, dẫn đến nhiều trường hợp người bị kết án có thể phạm tội mới hoặc có thời gian để bỏ trốn gây khó khăn cho việc truy bắt.
Vì vậy để việc thi hành án đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo việc thực thi bản án được nghiêm chỉnh, thống nhất, trong thời gian tới Liên ngành Tư pháp Trung ương cần sớm ban hành Thông tư liên tịch thay thế Thông tư liên tịch số 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC ngày 09/10/2012, trong đó cần phải quy định rõ trình tự thủ tục, thời hạn tiến hành các biện pháp nghiệp vụ (xác minh, truy tìm, kiểm tra lai lịch, đặc điểm nhận dạng đối tượng,…) của Cơ quan thi hành án hình sự (cả cấp huyện và cấp tỉnh) đối với người bị kết án phạt tù đang tại ngoại bỏ trốn trước khi ra quyết định truy nã và thời gian Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh phải ra quyết định truy nã sau khi đã tiến hành thực hiện xong các biện pháp nghiệp vụ./.
Ngô Văn Tuấn- VKSND huyện Tân Yên