.

Thứ ba, 23/07/2024 -04:37 AM

Áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” có đúng hay không?

 | 

Nội dung vụ án: Khoảng 10 giờ ngày 14/7/2020, A, B, C, D là học sinh lớp 10 rủ nhau đến vườn Cam của gia đình T để trộm cắp cam. Khi 4 cháu học sinh đi gần đến vườn Cam của gia đình T thì bị T phát hiện, do nghi ngờ A, B, C,D đến trộm cắp Cam của gia đình mình nên T đã lấy một cây củi ở rìa đường rồi bắt A, B, C, D đứng lại và dùng cây củi vụt một nhát vào chân của A, vụt vào người C và D nhưng không trúng, T tiếp tục vụt một nhát vào lưng của B làm cây củi bị gãy. Sau đó T đi đến xe mô tô của mình lấy 1 con dao chặt củi quay lại chém một nhát vào tay A và 01 nhát vào chán của B gây thương tích cho A, B. T bắt 4 cháu quỳ xin lỗi T, cả 4 cháu biết mình sai nên xin lỗi T nhưng T không đồng ý mà tiếp tục đe dọa đánh chém và yêu cầu A, B, C, D có tài sản gì thì đưa cho T. Do sợ bị đánh tiếp nên B đã đưa cho T một chiếc điện thoại di động trị giá 01 triệu đồng.

A và B bị thương tích phải đến Trung tâm Y tế huyện điều trị nhưng sau khi ra viện đã từ chối đi giám định và không đề nghị xử lý T về tội Cố ý gây thương tích, cả 4 cháu chỉ đề nghị xử lý T về tội Cướp tài sản.

Việc áp dụng tình tiếp tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ”, quy định tại điểm d khoản 1 Điệu 52 Bộ luật hình sự đối với T về tội “Cướp tài sản” hiện có 02 quan điểm khác nhau như sau:

Quan điểm thứ nhất: Chỉ vì nghi ngờ 04 cháu học sinh đến ăn trộm Cam của gia đình nhà mình mà T đã có lời nói đe dọa rồi dùng hung khí nguy hiểm đánh đập 04 cháu học sinh là người chưa thành niên rất nhiều cái và gây thương tích đối với nhiều cháu, trong quá trình đánh T nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản. Vì lý do nhỏ nhen, T đã dùng hung khí nguy hiểm đánh đập các cháu như vậy là có tính chất côn đồ nên vẫn cần phải áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” đối với D khi xử lý về tội Cướp tài sản là đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Quan điểm thứ hai: Về cấu thành cơ bản của tội “Cướp tài sản” quy định tại Điều 168 Bộ luật hình sự là “dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản”. Do vậy đối với tội cướp tài sản thì không cần có lý do để cướp và việc dùng vũ lực đối với một hay nhiều người, gây thương tích cho nạn nhân nặng hay nhẹ chỉ là nhằm cho nạn nhân tê liệt về ý trí để cướp tài sản. Do vậy việc áp dụng tình tiết tăng nặng “Phạm tội có tính chất côn đồ” đối với D về tội Cướp tài sản là không có căn cứ.

Tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai. Rất mong được sự trao đổi thêm của các đồng chí, đồng nghiệp./.

Hoàng Minh Đức- Viện KSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:28,519,831
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.145.87.19

    Thư viện ảnh