ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 15/01/2025 -12:14 PM

Những điểm mới của Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của VKSND tối cao)

 | 

Quy chế công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 111/QĐ-VKSTC ngày 17/4/2020 của VKSNDTC) có hiệu lực từ ngày 17/4/2020 là sự nhất thể hóa và thay thế cho 03 Quy chế, đó là: Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng VKSNDTC); Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố (ban hành kèm theo Quyết định số 169/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng VKSNDTC) và Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, thực nghiệm điều tra và giám định (ban hành kèm theo Quyết định số 170/QĐ-VKSTC ngày 02/5/2018 của Viện trưởng VKSNDTC). Qua nghiên cứu cho thấy tại Chương V của Quy chế (công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra) có một số điểm mới cần lưu ý như sau:

Thứ nhất, đề ra yêu cầu điều tra (Điều 47): Quy chế nêu rõ Kiểm sát viên đề ra yêu cầu điều tra bằng lời nói trong trường hợp kiểm sát trực tiếp hoạt động điều tra; đối với vụ án thuộc trường hợp phạm tội quả tang, sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không cần thiết phải đề ra yêu cầu điều tra bằng văn bản.

Thứ hai, Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra đã được quy định tại Điều 27 Quy chế tạm thời công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố (ban hành kèm theo Quyết định số 03/QĐ-VKSTC ngày 29/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao) (gọi tắt là Quy chế 03). Quy chế này quy định Kiểm sát viên xây dựng Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra trong “Trường hợp cần thiết” còn tại Điều 48 Quy chế 111 quy định bắt buộc Kiểm sát viên “phải” xây dựng Kế hoạch thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.

Thứ ba, Quy chế bổ sung một Điều riêng quy định Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra tại Điều 49. Ngoài các trường hợp Kiểm sát viên trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong giai đoạn điều tra như quy định tại Quy chế số 03 thì Quy chế số 111 bổ sung thêm trường hợp khi cần kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan có thẩm quyền điều tra. 

Thứ tư, Quy chế 111 đã cụ thể hóa khoản 3 Điều 171 Bộ luật tố tụng hình sự về thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ủy thác điều tra tại Điều 55 của Quy chế. Theo đó, khi nhận được quyết định ủy thác điều tra mà xét thấy hoạt động điều tra được ủy thác phức tạp, kéo dài, Viện kiểm sát cùng cấp với Cơ quan điều tra được ủy thác phải phân công Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động điều tra; khi kết thúc hoạt động điều tra được ủy thác thì Viện kiểm sát phải chuyển ngay kết quả thực hành quyền công tố, kiểm sát việc ủy thác điều tra cho Viện kiểm sát đã ủy thác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra.  

Thứ năm, khi Viện kiểm sát cấp dưới đề nghị Viện kiểm sát cấp trên gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam thì Viện kiểm sát cấp dưới phải có văn bản đề nghị gia hạn gửi kèm theo hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát cấp trên trước khi hết thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam ít nhất 10 ngày (theo Quy chế 03 thời hạn này là 15 ngày).

Thứ sáu, Điều 63 của Quy chế quy định cụ thể những việc Kiểm sát viên phải làm khi kiểm sát việc kết thúc điều tra, đó là: Chậm nhất 10 ngày đối với vụ án ít nghiêm trọng và nghiêm trọng, 15 ngày đối với vụ án rất nghiêm trọng, 20 ngày đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng trước khi kết thúc điều tra hoặc hết thời hạn điều tra vụ án, Kiểm sát viên phải chủ động yêu cầu và phối hợp Điều tra viên đánh giá toàn bộ chứng cứ, tài liệu và các thủ tục tố tụng của vụ án, nếu thấy có đủ căn cứ kết thúc điều tra thì thống nhất để Điều tra viên báo cáo Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra kết thúc điều tra vụ án; nếu thấy cần phải tiếp tục điều tra thì thống nhất các thủ tục báo cáo lãnh đạo hai bên để đề nghị và quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, tạm giam bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Đối với vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp hoặc Kiểm sát viên không thống nhất quan điểm đánh giá chứng cứ, tội danh thì Kiểm sát viên phải trao đổi với Điều tra viên để báo cáo Thủ trưởng hai đơn vị tổ chức họp đánh giá kết quả điều tra vụ án, chỉ đạo giải quyết những vấn đề chưa thống nhất, khó khăn, vướng mắc, bảo đảm việc kết thúc điều tra, giải quyết vụ án đúng quy định của pháp luật. Việc đánh giá chứng cứ, tài liệu giữa Kiểm sát viên và Điều tra viên phải lập biên bản và lưu hồ sơ nghiệp vụ của Cơ quan điều tra, hồ sơ kiểm sát.

Quy chế cũng đã ban hành kèm theo mẫu “Biên bản họp đánh giá tài liệu, chứng cứ trước khi Kết thúc điều tra hoặc ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án hình sự, đình chỉ điều tra bị can”.

Thứ bảy, Quy chế quy định rõ ràng hơn khi kiểm sát việc đình chỉ điều tra của Cơ quan có thẩm quyền điều tra nếu thấy quyết định đình chỉ điều tra có căn cứ thì ra văn bản Thông báo về việc kiểm sát.

Thứ tám, Quy chế quy định rõ ràng, cụ thể việc chuyển, giao nhận biên bản, tài liệu; thống kê, đóng dấu và đóng số bút lục hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra. Cụ thể: Khi Cơ quan có thẩm quyền điều tra chuyển biên bản, tài liệu để Viện kiểm sát kiểm sát, Kiểm sát viên phải đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu, ghi rõ ngày nhận biên bản, tài liệu; Trong trường hợp biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra thì ngay sau khi thu thập biên bản, tài liệu Kiểm sát viên phải chuyển cho Điều tra viên để đưa vào hồ sơ vụ án và sao lưu hồ sơ kiểm sát và trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra phải đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu. Việc giao nhận biên bản, tài liệu với Điều tra viên phải lập biên bản và lưu trong hồ sơ vụ án, hồ sơ kiểm sát.

Ngoài những điểm mới nêu trên, các Chương khác của Quy chế 111 cũng có nhiều điểm mới cần phải lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra và truy tố./.

Phạm Thu Hà- Viện KSND huyện Việt Yên

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:32,134,560
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:3.149.255.239

    Thư viện ảnh