ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ tư, 04/12/2024 -03:17 AM

Một số nội dung cơ bản của Nghị quyết 03/2024/NĐ-HĐTP ngày 10/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao

 | 

Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành án phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành hình phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành hình phạt tù, có một số nội dung cơ bản sau đây:

1. Phạm vi điều chỉnh (Điều 1 Nghị quyết)

Nghị quyết hướng dẫn áp dụng quy định tại các Điều 60, 62, 63, 64, 67, 68 và 105 của Bộ luật Hình sự.

2. Về một số từ ngữ (Điều 2 Nghị quyết)

Để thống nhất cách hiểu một số từ ngữ được sử dụng trong Bộ luật Hình sự, Điều 2 Nghị quyết đã giải thích 10 thuật ngữ là: Cố tình trốn tránh, lập công, lập công lớn, mắc bệnh hiểm nghèo, bị bệnh nặng, chấp hành tốt pháp luật, không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, đã quá già yếu, do nhu cầu công vụ”.

3. Giảm thời hạn chấp hành hình phạt trong trường hợp đặc biệt (Điều 6 Nghị quyết)

Nội dung này hướng dẫn giảm chấp hành hình phạt tù trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 64 Bộ luật Hình sự là:

(1) Người bị kết án đã chấp hành được ít nhất một phần tư thời hạn đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, hình phạt tù từ 30 năm trở xuống; 10 năm đối với tù chung thân; 12 năm đối với người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án tù chung thân và có đủ điều kiện hướng dẫn tại các điểm b, c và d khoản 1, khoản 4, khoản 6 Điều 5 Nghị quyết này thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù, nếu người bị kết án thuộc một trong các trường hợp sau đây: Đã lập công; trong đó, mỗi lần lập công, người bị kết án chỉ được xét giảm thời hạn một lần; đã quá già yếu; mắc bệnh hiểm nghèo.

(2) Mức giảm mỗi lần cao nhất cho các trường hợp hướng dẫn tại khoản 1 Điều này có thể là 1 năm đối với hình phạt cải tạo không giam giữ, 4 năm đối với hình phạt tù có thời hạn, hình phạt tù chung thân, nhưng phải bảo đảm thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là hai phần năm mức hình phạt đã tuyên hoặc 15 năm đối với hình phạt tù chung thân; trường hợp người bị kết án về nhiều tội trong đó có tội bị kết án phạt tù chung thân thì thời gian thực tế chấp hành hình phạt ít nhất là 20 năm.

(3) Trường hợp đặc biệt, khi có đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an hoặc Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; sau khi có ý kiến của Viện trưởng VKSND tối cao và được sự đồng ý của Chánh án TAND tối cao thì người bị kết án có thể được xét giảm vào thời gian sớm hơn hoặc với mức cao hơn so với hướng dẫn tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

3. Về hoãn chấp hành án phạt tù (Điều 7 Nghị quyết)

Nội dung hướng dẫn người bị xử phạt tù có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù quy định tại Điều 67 Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện sau:

(1) Trường hợp người bị xử phạt tù là phụ nữ có thai không phân biệt họ cố tình có thai và sinh con liên tục để trốn tránh nghĩa vụ thi hành án phạt tù hay không hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi không phân biệt là con đẻ hay con nuôi thì có thể được hoãn chấp hành hình phạt tù cho đến khi con đủ 36 tháng tuổi; Có nơi cư trú rõ ràng: Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú năm 2020 mà người bị xử phạt tù về cư trú, sinh sống thường xuyên; Sau khi bị xử phạt tù không có hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, không có căn cứ cho rằng họ bỏ trốn.

(2) Trường hợp người bị xử phạt tù thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 nhưng không đáp ứng một trong các điều kiện hướng dẫn tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 7 Nghị quyết 03/2024/NQ-HĐTP thì Tòa án cũng có thể cho hoãn chấp hành hình phạt tù nhưng phải gắn với hoàn cảnh đặc biệt và phải xem xét thận trọng, chặt chẽ.

(3) Thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi sức khỏe của người bị xử phạt tù được hồi phục; còn theo quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Bộ luật Hình sự 2015 thì được tính từ ngày Tòa án ban hành quyết định cho đến khi kết thúc thời hạn hoãn chấp hành hình phạt tù mà Tòa án quyết định.

(4) Trong thời gian được hoãn chấp hành hình phạt tù mà người được hoãn chấp hành hình phạt tù lại có thai hoặc phải tiếp tục nuôi con dưới 36 tháng tuổi thì Tòa án có thể quyết định cho họ được hoãn đến khi đứa con sau cùng đủ 36 tháng tuổi; người được hoãn chấp hành hình phạt tù theo quy định tại điểm c hoặc điểm d khoản 1 Điều 67 Bộ luật Hình sự 2015 thì có thể được hoãn một hoặc nhiều lần, nhưng tổng số thời gian được hoãn tối đa đến 01 năm.

Trên đây là một số nội dung cơ bản của Nghị quyết số 03/2024/NQ-HĐTP ngày 10/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/7/2024 hướng dẫn áp dụng một số quy định về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành án phạt, giảm mức hình phạt đã tuyên, giảm thời hạn chấp hành án phạt tù trong trường hợp đặc biệt, hoãn chấp hành án phạt tù, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù./.

Vũ Văn Thành- Phòng 8, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,546,840
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.97.9.171

    Thư viện ảnh