.

Thứ ba, 30/04/2024 -06:15 AM

Một số quy định mới về biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc

 | 

Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và Luật phòng, chống ma túy năm 2021 có nhiều điểm mới về đối tượng bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (XLHC) đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Cụ thể như sau:

Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 quy định biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc là biện pháp áp dụng đối với người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn mà vẫn còn nghiện hoặc chưa bị áp dụng biện pháp này nhưng không có nơi cư trú ổn định.

Luật số 67/2020/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sau đây gọi tắt là Luật số 67/2020/QH14)đã sửa đổi quy định nêu trên theo hướng không quy định cụ thể đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc mà dẫn chiếu đến Luật Phòng, chống ma túy. Theo đó, khoản 1 Điều 96 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 được sửa đổi, bổ sung như sau: “Người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc trường hợp bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy”.

Theo quy định tại Điều 32 Luật Phòng, chống ma túy năm 2021, đối tượng bị áp dụng biện pháp XLHCđưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộclà người nghiện ma túy từ đủ 18 tuổi trở lên thuộc một trong các trường hợp sau đây: “1. Không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt cai nghiện ma túy tự nguyện; 2. Trong thời gian cai nghiện ma túy tự nguyện bị phát hiện sử dụng trái phép chất ma túy; 3. Người nghiện ma túy các chất dạng thuốc phiện không đăng ký, không thực hiện hoặc tự ý chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế hoặc bị chấm dứt điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế do vi phạm quy định về điều trị nghiện; 4. Trong thời gian quản lý sau cai nghiện ma túy mà tái nghiện”.

Như vậy, có thể thấy, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) đã bỏ quy định áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn trước khi áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc đối với đối tượng là người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định; không còn sự phân biệt giữa người nghiện ma túy có nơi cư trú ổn định và người nghiện ma túy không có nơi cư trú ổn định. Theo đó, tất cả các đối tượng nêu trên, nếu có đủ các điều kiện theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 sẽ bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiên bắt buộc.

Ngoài ra, việc lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hiện nay được quy định tại Điều 103 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và được hướng dẫn chi tiết tại Mục 1 Chương V Nghị định số 116/2021/NĐ-CP ngày 21/12/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống ma túy, Luật xử lý vi phạm hành chính về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy. Theo quy định mới này, Cơ quan lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp XLHC đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc phải chịu trách nhiệm về tính pháp lý của hồ sơ đề nghị, Trưởng phòng Tư pháp cấp huyện không còn trách nhiệm kiểm tra tính pháp lý của hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc nữa.

Các quy định mới nêu trên đã kịp thời khắc phục, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên thực tiễn trong quá trình áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, góp phần bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trên các lĩnh vực của đời sống xã hội./.

Hoàng Thị Quyên – Viện KSND huyện Sơn Động

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:27,799,409
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:18.117.148.105

    Thư viện ảnh