ĐOÀN KẾT, TRÁCH NHIỆM - KỶ CƯƠNG, LIÊM CHÍNH - BẢN LĨNH, HIỆU QUẢ!

Thứ bảy, 21/12/2024 -20:07 PM

Một số điểm mới của Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

 | 

Ngày 22/6/2023, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân tối cao (VKSND) đã ký Quyết định số 222/QĐ-VKSTC ban hành Quy chế tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp (gọi tắt là Quy chế số 222), thay thế Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 51/QĐ-VKSTC-V12 ngày 02/02/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao (gọi tắt là Quy chế số 51).

Quy chế số 222 gồm 7 Chương, 25 Điều, trong đó có nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung phù hợp với quy định pháp luật hiện hành và thực tiễn công tác. Qua nghiên cứu nội dung của Quy chế, có một số điểm mới cần lưu ý như sau:

- Tại Điều 2 của Quy chế số 222 đã bổ sung khái niệm thế nào là đơn không đủ điều kiện thụ lý, đơn chưa đủ điều kiện thụ lý, thuận lợi cho công tác phân loại.

- Tại Điều 8 Quy chế số 222 đã sửa đổi quy định về trách nhiệm xử lý, quản lý, giải quyết hoặc kiểm sát giải quyết đối với đơn liên quan đến kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính. Theo đó, khi nhận được đơn liên quan đến các lĩnh vực nêu trên, Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp chuyển đơn đến Đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam và thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và thi hành án hành chính để xử lý, quản lý, giải quyết hoặc kiểm sát việc giải quyết theo thẩm quyền (theo Điều 9 Quy chế số 51 thì tất cả các đơn đều do Đơn vị kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp quản lý, xử lý). Ngoài ra Điều 8 Quy chế số 222 cũng bổ sung quy định việc tiếp nhận, xử lý đối với đơn gửi đến Cơ quan điều tra VKSND tối cao.

- Tại Điều 9 Quy chế số 222 về phân loại và xử lý đơn đã sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung phù hợp với thực tiễn, cụ thể:

+ Tại điểm đ khoản 3 Điều 9 Quy chế số 222 bổ sung quy định xử lý đối với đơn tố cáo không rõ tên người tố cáo nhưng cung cấp thông tin tài liệu, chứng cứ cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo, có cơ sở để thẩm tra xác minh mà nội dung tố cáo thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết thì Viện kiểm sát tiếp nhận đơn để tiến hành thanh tra, kiểm tra theo thẩm quyền; nếu không thuộc thẩm quyền thì chuyển cơ quan có thẩm quyền để tiến hành thanh tra, kiểm tra, phục vụ công tác quản lý (tại điểm c Khoản 6 Điều 10 Quy chế số 51 trước đây quy định không xem xét đối với tất cả các đơn thuộc trường hợp này).

+ Tại điểm c khoản 5 Điều 9 Quy chế số 222 bổ sung quy định xử lý đối với đơn có nội dung không liên quan đến hoạt động tư pháp và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Viện kiểm sát thì trả lại đơn và tài liệu kèm theo (nếu có) cho người gửi đơn hoặc cá nhân, cơ quan, tổ chức đã chuyển đến, đồng thời hướng dẫn gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

+ Tại khoản 7 Điều 9 Quy chế số 222 đã bổ sung quy định các trường hợp được lưu đơn như: Đơn có cùng nội dung đã ghi kính gửi nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, trong đó có cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc người có thẩm quyền giải quyết và cơ quan có thẩm quyền kiểm sát (trừ đơn do các cơ quan Đảng, đoàn thể, báo chí quy định tại khoản 4 Điều 10 Quy chế số 222 chuyển đến); đơn đã được hướng dẫn một lần về cùng một nội dung, đơn không đủ điều kiện thụ lý và đã có văn bản trả lại đơn, đơn rách nát, tẩy xóa chữ và không đọc được, đơn viết bằng tiếng nước ngoài không kèm theo bản dịch được công chứng, đơn đã được cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, giải quyết đúng quy định nhưng không cung cấp được tài liệu gì mới phát sinh, đơn tố cáo không rõ họ tên, địa chỉ mà không thuộc trường hợp quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 9 Quy chế số 222.

+ Tại khoản 8 Điều 9 Quy chế số 222 bổ sung quy định về thời hạn lưu trữ các loại đơn thuộc trường hợp lưu đơn là 01 năm.

- Tại khoản 2 Điều 16 Quy chế số 222 đã bổ sung quy định về thẩm quyền kiểm sát việc giải quyết khiếu nại đối với hành vi của người có thẩm quyền của Tòa án nhân dân trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính, xem xét quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

- Tại Điều 17 Quy chế số 222 đã bổ sung các biện pháp kiểm sát được áp dụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính. Theo đó, khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, Viện kiểm sát được áp dụng các biện pháp: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra văn bản giải quyết khiếu nại, tố cáo; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát. Việc sửa đổi này đã khắc phục bất cập của Quy chế số 51, phù hợp với quy định tại Thông tư liên tịch số 02, số 03 cùng ngày 31/8/2016 của Liên ngành trung ương về phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Tại điểm b khoản 4 Điều 17 Quy chế số 222 cũng quy định rõ trường hợp sau khi áp dụng các biện pháp kiểm sát: Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của cấp mình, cấp dưới và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát; yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo cho Viện kiểm sát thì phải ban hành kết luận trước khi ban hành kiến nghị (nếu có căn cứ xác định vi phạm).

Trên đây là một số điểm mới cần lưu ý khi nghiên cứu, triển khai thực hiện Quy chế số 222 để các đơn vị tham khảo, nghiên cứu thực hiện thống nhất, đúng quy định./.

Nguyễn Thùy Trang- Thanh tra- Khiếu tố, VKSND tỉnh Bắc Giang

Đăng nhập

Liên kết web

Thống kê

  • Số người truy cập:31,786,087
  • Số bài viết:2,965
  • IP của bạn:13.58.219.86

    Thư viện ảnh